LÀM SAO ĐỂ THÚC ĐẨY BẢN THÂN THAY ĐỔI TÍCH CỰC?

Trong tâm lý học, có hai loại mục tiêu thường được đề cập đến: Mục tiêu “để học hỏi” và mục tiêu “hiệu suất” (nhằm đạt được kết quả sau cùng). Những người có mục tiêu học hỏi được thúc đẩy bởi mong muốn phát triển các kỹ năng mới và làm chủ các kỹ năng của mình. Họ có xu hướng xem việc mắc lỗi là một phần của quá trình học tập. Những người có mục tiêu về hiệu suất thường được thúc đẩy bởi nhu cầu bảo  vệ hoặc nâng cao cái tôi của họ. Họ coi thất bại như một sự tấn công về giá trị bản thân và cảm thấy họ phải làm tốt hơn những người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân. Đây là khi mặt tối của lòng tự trọng xuất hiện: “Việc đạt được thành tích tốt nhất của bản thân thôi chưa đủ, tôi phải làm tốt hơn những người khác”. Nghiên cứu cho thấy những người có lòng tự trắc ẩn với bản thân ít khi đặt các mục tiêu về hiệu suất vì ý thức về giá trị bản thân của họ không dựa trên sự so sánh xã hội với những người khác. Thay vào đó, họ có xu hướng đặt ra các mục tiêu để học hỏi, biến thất bại từ một trải nghiệm tiêu cực (“Tôi không thể tin rằng hợp đồng lại thuộc về An thay vì tôi, tôi đúng là kẻ thua cuộc”) thành cơ hội để phát triển (“Tôi tự hỏi An đã làm gì để đạt được hợp đồng này? Chắc là tôi sẽ mời cô ấy đi uống cà phê và hỏi cô ấy về điều này”).

Làm sao để thúc đẩy bản thân thay đổi tích cực

Một nghiên cứu tại Đại học McGill ở Montreal, Canada đã xem xét lòng trắc ẩn với bản thân ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc của những sinh viên mới vào đại học khi họ phải đối mặt với những thất bại không thể tránh khỏi trong năm đầu tiên. Những học sinh có lòng trắc ẩn với bản thân đặt ra nhiều mục tiêu học hỏi hơn và ít mục tiêu về hiệu suất hơn. Họ ít khó chịu hơn vào những ngày không đạt được mục tiêu và cho biết họ quan tâm nhiều hơn đến việc liệu mục tiêu của họ có ý nghĩa cá nhân hay không hơn là thành công của mục tiêu. Lòng tự trắc ẩn giúp chúng ta tập trung vào lý do tại sao chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì đó. Khi chúng ta làm điều đó vì muốn hoàn thiện bản thân, thì việc chúng ta có thành công hay không hay người khác nghĩ gì về chúng ta không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là: giống như con sâu đang trong kén, chúng ta nhận ra tiềm năng của mình bằng cách tiếp tục phát huy sức mạnh và tài năng của mình đến mức tối đa có thể.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng một món quà khác của lòng tự trắc ẩn là nó thúc đẩy tư duy phát triển thay vì một tư duy cố định. Carol Dweck, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, là người đầu tiên đưa ra những thuật ngữ này cho rằng: những người có tư duy phát triển tin rằng họ có thể cải thiện khả năng của bản thân và thay đổi các khía cạnh trong tính cách của mình. Những người có tư duy cố định cho rằng mình bị mắc kẹt với bất kỳ khả năng nào mà DNA và quá trình nuôi dạy đã mang lại cho họ, và có rất ít cơ hội để thay đổi số phận mà di truyền đã trao cho họ. Những người có tư duy phát triển có nhiều khả năng cố gắng cải thiện, rèn luyện, nỗ lực thay đổi và họ có xu hướng tích cực, lạc quan khi gặp thử thách trong đời.

Khi chúng ta có lòng trắc ẩn, sự thấu cảm với những khía cạnh trong tính cách mà chúng ta không thích, ta có nhiều khả năng áp dụng tư duy phát triển và tin rằng mình có thể thay đổi. Một nghiên cứu của Juliana Breines và Serena Chen tại UC Berkeley đã minh họa rõ ràng quan điểm này. Các nhà nghiên cứu yêu cầu sinh viên xác định điểm yếu lớn nhất của họ – hầu hết đều liên quan đến những khó khăn như cảm giác bất an, chứng lo âu xã hội hoặc sự tự ti. Sau đó, các sinh viên được phân ngẫu nhiên vào một trong ba điều kiện khác nhau, một điều kiện là họ viết về điểm yếu của mình theo cách trắc ẩn với bản thân, một điều kiện là họ viết điểm yếu theo cách củng cố lòng tự trọng của họ, hoặc một điều kiện kiểm soát là họ không viết gì cả.

Tiếp theo, những người tham gia được yêu cầu chia sẻ về việc họ nghĩ điểm yếu của mình là cố định hay có thể uốn nắn được. So với hai tình trạng còn lại, những người được yêu cầu viết ra điểm yếu của mình theo ngôn ngữ tự trắc ẩn có xu hướng có tư duy phát triển (“Tôi biết mình có thể thay đổi khi tôi chăm chỉ”) hơn là tư duy cố định (“Bẩm sinh tôi đã là người như vậy rồi, tôi không thể thay đổi bản thân”). Trớ trêu thay, lòng trắc ẩn đối với những điểm yếu của chúng ta lại giúp chúng ta tự tin hơn vào khả năng cải thiện của mình hơn là sự cổ vũ cho lòng tự trọng.

Bởi vậy, nếu bạn muốn thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn trong cuộc sống, việc tìm hiểu và thực hành Lòng tự trắc ẩn với chính mình sẽ giúp bạn tạo nên một sự thay đổi bền vững hơn. Lựa chọn thay đổi nên đến từ tình yêu thương vì chính mình, thay vì mong muốn chứng tỏ cái tôi – tạo cho bạn tư duy phát triển và liên tục học hỏi, cải thiện, tiến lên trong đời.

 

Nguồn bài viết: 

  • Sách:”Lòng trắc ẩn mãnh liệt: Làm thế nào để phụ nữ có thể khai thác lòng tốt để lên tiếng, khẳng định sức mạnh của mình và phát triển” – Tiến sỹ Kristin Neff

Dịch & Biên tập: Quỳnh Anh – VCP Tâm lý học Tâm thức Việt Nam

Tìm hiểu thêm những bài viết về Lòng tự trắc ẩn tại đây

—————————
VCP – Tâm lý học tâm thức Việt Nam
• Hotline/Zalo: 0328372737
• Email: tamlyhoctamthuc.vn@gmail.com
• Website: tamlyhocvn.com
Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo