4 KIỂU GẮN BÓ TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ

Các kiểu gắn bó và vai trò của chúng trong các mối quan hệ là một chủ đề được quan tâm rộng rãi, cả trong nghiên cứu lẫn động lực cá nhân của mọi người nhằm hiểu được mô thức suy nghĩ và hành vi của họ. Mức độ quan tâm này là hoàn toàn dễ hiểu vì các kiểu gắn bó khác nhau trong các mối quan hệ có thể tác động đến tương tác giữa các cá nhân theo những cách rất riêng.

Các kiểu gắn bó được hình thành phát triển sớm trong cuộc sống và thường ổn định theo thời gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng không thể được thay đổi chuyển hóa chung thành các dạng gắn bó an toàn hơn – nó chỉ có nghĩa là bạn có thể cần phát triển khả năng tự nhận thức thông qua việc hiểu và giải quyết các vấn đề về gắn bó. Bước đầu tiên của quá trình này là tìm hiểu xem sự gắn bó không an toàn phát triển như thế nào và ảnh hưởng đến suy nghĩ cũng như hành động trong các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống của chúng ta như thế nào.

Bạn có tự hỏi tại sao mình cứ lặp đi lặp lại những tình huống giống nhau ngay cả với những đối tác khác nhau không? Có lẽ ghen tuông và bám víu là những hành vi thường xuyên xảy ra với bạn, hoặc có thể bạn có xu hướng rút lui khỏi một mối quan hệ một khi nó trở nên quá thân mật về mặt tình cảm?

Nếu bạn nhận thấy một kiểu hành vi tiêu cực và thách thức về mặt cảm xúc trong đời sống tình cảm của mình, bạn có thể được hưởng lợi từ việc tìm hiểu sâu hơn và khám phá cách bạn gắn kết với mọi người trong các mối quan hệ thân thiết. Hiểu được phong cách gắn bó là gì và những điều cơ bản của lý thuyết gắn bó là một yếu tố quan trọng trong quá trình này.

Theo bác sĩ tâm thần và nhà phân tích tâm lý John Bowlby, mối quan hệ của một người với những người chăm sóc chính trong thời thơ ấu có ảnh hưởng bao quát đến các mối quan hệ xã hội và thân mật trong tương lai – và thậm chí cả các mối quan hệ tại nơi làm việc. Nói cách khác, mối quan hệ ban đầu này tạo ra một khuôn mẫu hoặc các quy tắc về cách bạn xây dựng và giải thích các mối quan hệ khi trưởng thành.

Công trình nghiên cứu về lý thuyết gắn bó của Bowlby có từ những năm 1950 và tiếp tục phát triển nhờ những nghiên cứu liên tục dựa trên chủ đề này. Dựa trên lý thuyết gắn bó, 4 kiểu gắn bó đã được xác định là:

  • Gắn bó an toàn
  • Gắn bó né tránh
  • Gắn bó lo âu
  • Gắn bó vô tổ chức

 

Tiếp nối nghiên cứu này, nhà tâm lý Mary Ainsworth đã thực hiện một thí nghiệm giữa những đứa trẻ và người mẹ trong một căn phòng xa lạ gồm những tình huống như: mẹ và bé cùng ở trong căn phòng, người lạ bước vào phòng, người mẹ ra khỏi phòng để đứa trẻ lại cùng người lạ, người mẹ quay trở lại căn phòng. Dựa trên những phản ứng của đứa trẻ trong từng tình huống có thể thấy được mối tương quan giữa quá trình chăm sóc và kiểu gắn bó tương ứng. Qua đó thấy được tác động mạnh mẽ của thời thơ ấu lên việc định hình mối quan hệ sau này.

GẮN BÓ AN TOÀN

Sự gắn bó an toàn được thể hiện thông qua khả năng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, lâu dài

Những người trưởng thành gắn bó an toàn có xu hướng giữ những hình ảnh tích cực về bản thân và những người khác. Nghĩa là họ có cả cảm giác xứng đáng và kỳ vọng rằng người khác sẽ chấp nhận và đáp lại.

Nó được hình thành như thế nào?

Sự gắn bó an toàn là kết quả của cảm giác an toàn với những người chăm sóc từ thời thơ ấu và có thể yêu cầu sự trấn an hoặc xác nhận mà không bị trừng phạt.

Khi đó bạn cảm thấy an toàn, được thấu hiểu, được an ủi và được trân trọng trong những lần tương tác đầu tiên. Có thể nói trong trường hợp này những người chăm sóc có sự tự nhận thức tốt về cảm xúc cũng như hành vi của mình. “Do đó, trẻ em làm mẫu (bắt chước) sự gắn bó an toàn cũng như nhận được sự gắn bó đó từ người chăm sóc chúng,”

Dấu hiệu 

  • khả năng nhận biết và điều chỉnh cảm xúc tốt
  • dễ dàng tin tưởng người khác
  • kỹ năng giao tiếp hiệu quả
  • khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt cảm xúc
  • thoải mái khi ở một mình
  • thoải mái trong các mối quan hệ thân thiết
  • khả năng tự phản ánh trong quan hệ đối tác
  • dễ dàng kết nối với mọi người
  • khả năng quản lý xung đột tốt
  • lòng tự trọng cao

Nó thể hiện như thế nào trong các mối quan hệ?

“Những người gắn bó an toàn lớn lên với cảm giác an toàn về mặt cảm xúc và thể chất vì thế có thể hòa nhập với thế giới và những người khác một cách lành mạnh”.

Kết quả là mối quan hệ với người có phong cách gắn bó an toàn sẽ dựa trên sự trung thực, bao dung và gần gũi về mặt cảm xúc. Mặc dù những người thuộc kiểu gắn bó này thường phát triển tốt trong các mối quan hệ của mình nhưng họ cũng không sợ phải ở một mình. Những người gắn bó an toàn có xu hướng có cái nhìn tích cực về bản thân và những người khác, vì vậy họ không quá tìm kiếm sự chấp thuận hoặc xác nhận từ bên ngoài – họ có thể xác định và điều chỉnh thành công cảm xúc của mình và thậm chí giúp đối tác làm như vậy với cảm xúc của họ.

Thông qua phân tích thống kê, những người yêu an toàn được phát hiện có mối quan hệ nồng ấm hơn với cha mẹ họ trong thời thơ ấu.

GẮN BÓ NÉ TRÁNH

Đây là một kiểu gắn bó không an toàn. “Nó được thể hiện thông qua sự thất bại trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với người khác do không có khả năng tham gia vào sự thân mật về thể chất và tinh thần”

Nó phát triển như thế nào?

Trong thời thơ ấu, bạn có thể đã có những người chăm sóc nghiêm khắc hoặc xa cách và vắng mặt.

Người chăm sóc của bạn có thể :

  • để bạn phải tự lo liệu
  • mong bạn độc lập
  • khiển trách bạn vì đã phụ thuộc vào họ
  • từ chối khi bạn bày tỏ nhu cầu hoặc cảm xúc 
  • chậm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bạn

Những đứa trẻ có kiểu gắn bó này không lấy cha mẹ làm chỗ dựa an toàn; các em không đau buồn khi phải xa người chăm sóc và không vui khi họ trở về. 

“Kiểu né tránh này đến từ gia đình mà cha mẹ có thể hoàn toàn lơ là với con cái, hoặc họ chỉ đơn giản là quá bận rộn, không có thời gian để tâm hoặc chỉ quan tâm đến những thứ như điểm số, công việc nhà, cách cư xử hơn là cảm xúc, hy vọng, ước mơ hay nỗi sợ hãi của con mình” 

Do đó, những đứa trẻ này có thể học cách có ý thức độc lập mạnh mẽ để chúng không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai khác để chăm sóc hoặc hỗ trợ.

Dấu hiệu

  • liên tục tránh sự thân mật về tình cảm hoặc thể xác
  • cảm thấy một cảm giác độc lập mạnh mẽ
  • không thoải mái khi bày tỏ cảm xúc của bạn
  • coi thường người khác
  • gặp khó khăn trong việc tin tưởng mọi người
  • cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai cố gắng đến gần bạn
  • dành nhiều thời gian một mình hơn là tương tác với người khác
  • tin rằng bạn không cần người khác trong cuộc sống của bạn
  • khó khăn trong vấn đề cam kết

Nó thể hiện như thế nào trong các mối quan hệ?

Những người trưởng thành gắn bó né tránh có thể có xu hướng tránh các mối quan hệ thân thiết và tình huống thân mật với người khác để duy trì cảm giác độc lập và bất khả xâm phạm. Điều này có nghĩa là họ đấu tranh với sự thân mật và coi trọng quyền tự chủ và tự lực. Đơn giản là họ không có nhu cầu về sự thân mật về mặt cảm xúc, vì vậy các mối quan hệ lãng mạn không thể đạt đến bất kỳ mức độ sâu sắc nào. 

Những người thuộc kiểu gắn bó né tránh có xu hướng tin rằng họ không cần phải có một mối quan hệ mới cảm thấy trọn vẹn: Họ không muốn phụ thuộc vào người khác và không có nhu cầu tìm kiếm sự hỗ trợ và chấp thuận trong các mối quan hệ.

Những người trưởng thành có kiểu gắn bó này thường tránh sự thân mật hoặc gần gũi về mặt tình cảm, vì vậy có thể rút lui khỏi một mối quan hệ nếu họ cảm thấy người kia đang trở nên phụ thuộc vào họ theo cách này. Họ cũng có xu hướng che giấu hoặc kìm nén cảm xúc của mình khi đối mặt với một tình huống giàu cảm xúc, chẳng hạn như xung đột. Điều này có kết quả tiêu cực là khiến bản thân cắt đứt những cảm xúc mạnh mẽ, dù là của chính họ hay của người khác, do đó ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ về các mối quan hệ lãng mạn. Đối tác của họ sẽ cảm thấy như không bao giờ có thể bước vào thế giới nội tâm của những người này.

GẮN BÓ LO LẮNG

Đây là một kiểu gắn bó không an toàn có đặc điểm là:

  • sợ bị từ chối
  • sợ bị bỏ rơi
  • phụ thuộc vào đối tác để xác nhận và điều tiết cảm xúc
  • xu hướng phụ thuộc

Nó phát triển như thế nào?

Phong cách gắn bó này bắt nguồn từ việc nuôi dạy con cái không nhất quán, không phù hợp với nhu cầu của trẻ, có nghĩa là đôi khi người mẹ đáp ứng nhu cầu của trẻ, đôi khi lại không

“Những đứa trẻ này gặp khó khăn trong việc hiểu những người chăm sóc chúng và không có sự đảm bảo về những gì họ mong đợi trong tương lai. Chúng thường bối rối trong mối quan hệ với cha mẹ và cảm thấy không ổn định” 

Những đứa trẻ có kiểu gắn bó này bám chặt vào mẹ trong hoàn cảnh mới và không sẵn sàng khám phá – cho thấy chúng không tin tưởng vào mẹ. Chúng vô cùng đau khổ khi phải xa mẹ. Khi người mẹ trở về, chúng vui mừng và đến gần để được an ủi nhưng khi không có được điều đó chúng sẽ tỏ ra tức giận với mẹ của mình. 

Nếu bạn thuộc kiểu gắn bó lo lắng thì có thể cha mẹ bạn có những dấu hiệu sau:

  • xen kẽ giữa việc chiều chuộng quá mức và tách biệt hoặc thờ ơ
  • dễ dàng bị choáng ngợp
  • đôi khi chú ý rồi đẩy bạn ra xa
  • khiến bạn phải chịu trách nhiệm về cảm giác của họ

Vì vậy, những đứa trẻ này thường lớn lên với suy nghĩ rằng chúng phải quan tâm đến cảm xúc của người khác và thường trở nên phụ thuộc.

Dấu hiệu

Các dấu hiệu cho thấy bạn thuộc kiểu gắn bó lo lắng bao gồm:

  • xu hướng bám víu
  • rất nhạy cảm với những lời chỉ trích (thực tế hoặc nhận thức)
  • cần sự chấp thuận từ người khác
  • xu hướng ghen tuông
  • khó khăn khi ở một mình
  • lòng tự trọng thấp
  • cảm thấy không xứng đáng với tình yêu
  • nỗi sợ hãi mãnh liệt bị từ chối
  • nỗi sợ bị bỏ rơi đáng kể
  • khó tin tưởng người khác

Nó thể hiện như thế nào trong các mối quan hệ?

Những người có phong cách gắn bó lo lắng thường cảm thấy không xứng đáng với tình yêu và cần sự trấn an và phản hồi liên tục từ đối phương. Họ có thể trở nên đau khổ nếu cho rằng sự công nhận từ người khác là không thành thật hoặc không đáp ứng được mức độ phản hồi thích hợp.

Họ thường đổ lỗi cho bản thân về những thử thách trong mối quan hệ và có thể thường xuyên bộc lộ sự ghen tuông hoặc mất lòng tin mãnh liệt do lòng tự trọng kém.

Cuối cùng, có một nỗi sợ hãi sâu xa về việc bị bỏ rơi, bị từ chối hoặc ở một mình. Những người như vậy khao khát sự thân mật nhưng vẫn lo lắng về việc liệu những người bạn đời lãng mạn khác có đáp ứng được nhu cầu tình cảm của họ hay không. Sự tự chủ và độc lập có thể khiến họ cảm thấy lo lắng. Đặc trưng của họ trong mối quan hệ yêu đương là sự ám ảnh, mong muốn được đáp lại và đoàn kết, cảm xúc trồi sụt, sự hấp dẫn tình dục và ghen tuông cực độ.

Ngoài ra, họ còn bận tâm đến việc phụ thuộc vào cha mẹ của mình và vẫn tích cực đấu tranh để làm hài lòng họ.

Trong những thời điểm khó khăn hoặc căng thẳng leo thang, kiểu gắn bó này sẽ dễ bị kích hoạt quá mức, kéo theo cảm xúc bị khuếch đại và sự phụ thuộc vào người khác cũng tăng lên.

GẮN BÓ VÔ TỔ CHỨC (LO ÂU-NÉ TRÁNH)

Sự gắn bó vô tổ chức được thể hiện thông qua những hành vi cực kỳ mâu thuẫn và sự khó tin tưởng người khác. 

Nó phát triển như thế nào?

Nguyên nhân phổ biến nhất của kiểu gắn bó vô tổ chức là tổn thương/sang chấn thời thơ ấu, bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng. 

Nếu đứa trẻ và người chăm sóc phải xa nhau trong một khoảng thời gian nào đó thì khi đoàn tụ, đứa trẻ sẽ có hành động mâu thuẫn. Ban đầu, em có thể chạy về phía người chăm sóc nhưng sau đó dường như thay đổi ý định và bỏ chạy hoặc hành động không đúng mực.

Trong con mắt của một đứa trẻ có tính gắn bó lo âu-né tránh, những người chăm sóc chúng là không đáng tin cậy.

Chúng có nguy cơ mang những hành vi này đến tuổi trưởng thành nếu chúng không nhận được sự hỗ trợ để khắc phục điều này. Và vì thế chúng có thể gặp khó khăn để cảm thấy an toàn trong bất kỳ mối quan hệ nào nếu không nhận được sự giúp đỡ.

Dấu hiệu

Các dấu hiệu của kiểu gắn bó vô tổ chức bao gồm:

  • sợ bị từ chối
  • không có khả năng điều chỉnh cảm xúc
  • hành vi trái ngược nhau
  • mức độ lo lắng cao
  • khó tin tưởng người khác
  • dấu hiệu của cả hai kiểu gắn bó né tránh và lo lắng

Loại gắn bó này cũng liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành, bao gồm:

  • rối loạn tâm trạng
  • rối loạn nhân cách
  • tự làm hại bản thân
  • rối loạn sử dụng chất gây nghiện

Nó thể hiện như thế nào trong các mối quan hệ?

Những người có kiểu gắn bó vô tổ chức có xu hướng dao động giữa các đặc điểm của cả gắn bó lo lắng và gắn bó né tránh tùy thuộc vào tâm trạng và hoàn cảnh của họ. Trong các mối quan hệ, những người có kiểu gắn bó này có xu hướng có những hành vi khó đoán và khó hiểu. Họ xen kẽ giữa việc sống xa cách và độc lập và sống bám víu và dễ xúc động.

“Trong khi tuyệt vọng tìm kiếm tình yêu thì họ cũng đẩy đối phương ra xa vì sợ yêu. Họ tin rằng họ sẽ luôn bị từ chối, nhưng họ không tránh né sự thân mật về tình cảm. Họ sợ nó, và họ cũng liên tục tìm kiếm nó, chỉ để rồi lại từ chối nó”

Những người này coi đối tác của mình là những người không thể đoán trước và bản thân họ cư xử theo những cách không thể đoán trước trong các mối quan hệ của mình khi họ tiếp tục vật lộn giữa nhu cầu an toàn và nỗi sợ hãi, sợ cả sự thân mật lẫn sự tự chủ.

Những người trưởng thành có phong cách gắn bó sợ hãi-né tránh (còn được gọi là vô tổ chức) giữ một hình mẫu tiêu cực về bản thân và người khác. Họ thường lớn lên trong một gia đình rất hỗn loạn và độc hại. Chính vì thế trong vô thức họ cũng mong đợi hoặc tìm cách khiến mối quan hệ lãng mạn của mình trở nên hỗn loạn. 

Nếu họ đang có mối quan hệ với một người an toàn và bình tĩnh, họ có thể nghi ngờ tại sao lại như vậy. Họ có thể tin rằng có điều gì đó không ổn và có thể thách thức đối phương hoặc tạo ra vấn đề khiến mối quan hệ trở nên bất ổn hơn nhưng lại quen thuộc với họ.

Họ có xu hướng luôn mong đợi điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra trong mối quan hệ của mình và có thể sẽ tìm mọi lý do để làm hỏng mối quan hệ để họ không bị tổn thương.

Họ có thể đổ lỗi hoặc buộc tội đối tác của mình về những việc họ chưa làm, đe dọa rời bỏ mối quan hệ hoặc kiểm tra đối phương xem điều này có khiến họ ghen tị hay không. Tất cả những chiến lược này có thể khiến đối tác của họ cân nhắc việc chấm dứt mối quan hệ.

 

Tổng hợp và biên dịch: Ngọc Phạm

—————————
VCP – Tâm lý học tâm thức Việt Nam
• Hotline/Zalo: 0328372737
• Email: tamlyhoctamthuc.vn@gmail.com
• Website: tamlyhocvn.com
Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo