Vượt qua trầm cảm chắc chắn không phải là một cuộc chiến dễ dàng.
Đã hai năm kể từ khi chứng trầm cảm bắt đầu xâm chiếm cuộc sống của tôi.
Vượt qua khoảng thời gian tăm tối và trống rỗng đó cho đến nay là giai đoạn thử thách nhất mà tôi từng phải đối mặt.
Tôi không chỉ phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng mỗi ngày, mà tôi còn đau buồn vì mất đi một người thân yêu và đối mặt với những khó khăn, căng thẳng về tài chính.
Nhìn lại, tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm được. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình vẫn có thể tiếp tục chiến đấu mỗi ngày.
Chứng trầm cảm đã kiểm tra từng chút sức mạnh trong tôi – sức mạnh mà tôi thậm chí chưa bao giờ biết là mình có.
Nó làm đảo lộn cả thế giới của tôi. Nó khiến tôi cảm thấy thật thất bại và vô giá trị.
Mỗi sáng thức dậy với quá nhiều đau đớn và trống rỗng cùng cảm giác tội lỗi trong lòng luôn là điều khó khăn nhất. Tôi đã nghĩ rằng mình không đáng sống vì giờ đây tôi chẳng là gì ngoài một gánh nặng.
Trong cuộc đấu tranh không ngừng của tôi mỗi ngày, tôi cũng nhận ra rằng mình có rất nhiều thói quen không chỉ phá hoại hạnh phúc mà còn khiến căn bệnh này trở nên tồi tệ hơn.
Bằng việc nhận diện và từ từ thay đổi những thói quen độc hại đó đã giúp tôi dễ chịu hơn rất nhiều và tôi hy vọng nó cũng sẽ làm như vậy với bạn
1. Thói quen tìm kiếm tâm trạng tích cực
Khi được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, tôi nghĩ rằng việc vượt qua nó là chuyện chỉ cần làm một lần.
Vì vậy, khi đã tìm lại được những ngày tháng tươi đẹp và cảm thấy mình dần dần hạnh phúc trở lại, tôi rất sợ phải quay lại khoảng thời gian đen tối trước đó đến nỗi tôi mong muốn tâm trang tích cực sẽ luôn hiện hữu.
Tôi kỳ vọng mình sẽ luôn có những ngày tốt đẹp và chính điều này khến tôi cảm thấy vô cùng thất vọng cùng ý nghĩ mình là một kẻ thất bại hoàn toàn khi tôi thấy mình bắt đầu trược dốc.
Đó quả thật là một sai lầm vì chiến đấu với trầm cảm sẽ bao gồm những ngày tốt đẹp, những ngày tồi tệ và cả những ngày tồi tệ nhất.
Cũng giống như cuộc đời, nó luôn có những thăng trầm, những bước ngoặt và khúc cua. Chúng ta luôn phải trải qua những ngày tồi tệ như vậy nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thất bại.
Chúng ta không thể mong đợi bản thân lúc nào cũng cảm thấy tốt. Thay vì dằn vặt vì cảm thấy tồi tệ một lần nữa, hãy thật kiên nhẫn và thấu hiểu chính mình.
Nhắc nhở bản thân rằng điều quan trọng là bạn đang cố gắng và chiến đấu ngay lúc này!
2. Thói quen từ chối sự tha thứ
Một điều tôi học được khi sống chung với chứng trầm cảm là sức mạnh của sự tha thứ.
Sau khi phải nghỉ việc vì chứng trầm cảm tôi chỉ cảm thấy mình thật vô dụng và tội lỗi.
Tôi liên tục tấn công bản thân vì đã đưa ra quyết định đó. Tôi ghét bản thân và không chịu tha thứ cho chính mình vì đã để điều đó xảy ra.
Tôi cứ giữ lấy sự hối tiếc đó ở trong lòng.
Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên bị so sánh với những người thân yêu nhất của mình, điều đó khiến tôi cảm thấy mình không bao giờ đủ tốt.
Và lớn lên, tôi mang theo những lời nói đó bên mình. Tôi ôm lấy nỗi đau, sự tức giận và oán hận.
Việc làm đó đã ăn tươi nuốt sống tôi, làm trái tim tôi tan nát.
Từ chối tha thứ và chọn cách ôm lấy những hối tiếc, sai lầm và nỗi đau trong quá khứ chỉ khiến tôi thêm chán nản.
Điều chúng ta không nhận ra là thường xuyên từ chối tha thứ chỉ làm tổn thương chính mình nhiều hơn là làm tổn thương những người đã làm đau chúng ta.
Tha thứ không có nghĩa là chúng ta đang giảm thiểu nỗi đau mà họ đã gây ra, nó chỉ đơn giản là chúng ta đã sẵn sàng chữa lành, buông bỏ và trưởng thành.
Nhắc nhở bản thân rằng cứ ôm mãi những sai lầm, hối tiếc và nỗi đau trong quá khứ sẽ chẳng ích lợi gì cho bạn.
Thay vào đó, hãy giải phóng bản thân và cho phép mình tiến về phía trước và chữa lành vết thương.
3. Thói quen mong những người thân yêu thấu hiểu hết
Tôi mong những người mà tôi yêu thương hiểu hết những gì tôi đã trải qua. Tôi không thể nói cho bạn biết đã bao nhiêu lần tôi mong đợi họ tìm và nói đúng, cũng như làm đúng điều mà tôi mong muốn để cảm thấy tốt hơn.
Và mỗi khi họ thất bại, tôi lại cảm thấy thật tồi tệ và càng cảm thấy cô đơn hơn nữa.
Nhưng thật không công bằng khi tôi có những suy như vậy. Thật không công bằng cho tôi khi mong đợi họ hiểu những gì tôi đã trải qua.
Bởi vì thực tế, cho dù chúng ta có cố gắng thế nào và cho dù chúng ta có làm gì đi nữa thì việc khiến họ hiểu và nắm bắt được những gì chúng ta đang trải qua và những gì chúng ta cảm nhận chính xác là điều không thể.
Điều đó là hoàn toàn bình thương
Đã có một vài người cố gắng hết sức để giúp tôi tôi. Nhưng quả thật họ chưa bao giờ thực sự hiểu những gì tôi đã trải qua, họ không thể tìm được từ thích hợp để nói nhưng họ đã cố gắng.
Nhắc nhở bản thân rằng miễn là họ ở bên bạn, sẵn sàng lắng nghe và thể hiện lòng trắc ẩn, như vậy là quá đủ.
4. Thói quen nghĩ rằng cuộc sống sẽ chỉ đi từ tồi tệ đến tồi tệ hơn
Trận chiến với chứng trầm cảm là trận chiến khó khăn nhất mà tôi phải đối mặt hàng ngày.
Tôi đã trải qua rất nhiều ngày tồi tệ và đen tối đến nỗi tôi bắt đầu tin rằng đây là cách cuộc sống của tôi sẽ diễn ra.
Tôi bắt đầu tin rằng bất kể tôi làm gì và cố gắng thế nào, cuộc sống của tôi sẽ chỉ đi từ tồi tệ đến tồi tệ hơn và những điều tốt đẹp sẽ không bao giờ đến.
Khi bạn đang đối phó với chứng trầm cảm, tôi biết bạn rất dễ tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ vui vẻ trở lại.
Rằng chúng ta sẽ luôn bị mắc kẹt trong bóng tối, đau đớn và trống rỗng.
Nhưng điều này là không đúng sự thật. Đây chính xác là những gì trầm cảm muốn bạn nghĩ.
Cuộc sống luôn đầy rẫy những bất ngờ với những bước ngoặt.
Những gì bạn đang trải qua bây giờ sẽ không tồn tại mãi. Hôm nay không phải là mãi mãi.
5. Thói quen muốn kiểm soát mọi thứ
Tôi luôn là một kẻ thích kiểm soát. Tôi chỉ muốn kiểm soát mọi thứ và mọi người xung quanh mình.
Tôi dành rất nhiều thời gian để cố gắng kiểm soát ngay cả những chi tiết nhỏ nhất, nghĩ rằng làm điều này sẽ mang lại cho tôi sự an toàn, sự đảm bảo rằng sẽ không có gì sai sót.
Nhưng không.
Bất kể chúng ta làm gì, việc kiểm soát mọi thứ là không thể và chắc chắn không đảm bảo rằng mọi thứ sẽ luôn diễn ra theo cách chúng ta muốn.
Thay vì tập trung thời gian và sức lực vào những thứ mà bạn không thể nắm gọn trong lòng bàn tay, hãy chấp nhận nó, buông bỏ và tập trung vào những thứ mà bạn có thể thay đổi.
Hãy biết rằng tất cả chúng ta đều chữa lành và phục hồi theo cách khác nhau, vì vậy những thứ hiệu quả với tôi chưa chắc đã hiệu quả với bạn.
Điều quan trọng là tập trung vào cuộc hành trình của bạn, xác định những điều có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn và làm cho chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời từ từ làm những gì có thể để thay đổi chúng nhằm giúp bạn chống lại sự hỗn loạn này.
⇒⇒⇒ Đăng ký trị liệu 1-1 cùng VCP: https://forms.gle/XbBvuwreW8jgiEex7
Biên dịch: Ngọc Phạm
Nguồn: https://tickledthink.com/5-habits-i-gave-up-to-overcome-depression/
——–
VCP – Tâm lý học tâm thức Việt Nam
- Hotline/Zalo: 0917098001
- Fanpage: https://www.facebook.com/vcpvietnam
- Email: tamlyhoctamthuc.vn@gmail.com
- Website: tamlyhocvn.com