CẢM XÚC SINH RA ĐỂ LÀM GÌ?

Trong những buổi trò chuyện với những “nhà thông thái tí hon” tại gia, mình hay nhận được những câu cảm thán như: “Con thấy nỗi buồn đúng là đứa báo đời dì ạ. Không có nỗi buồn thì tốt hơn” hay “Con ước trên đời này không có sự tức giận để chẳng bao giờ phải nghe mẹ mắng”

Nghe rất có lý đúng không? Có khi nào bạn cũng có những mong muốn như vậy chưa?

Nếu phiền phức như vậy thì những cảm xúc (tạm gọi là) tiêu cực sinh ra để làm gì?

Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu có chế vận hành của cảm xúc nhé. Cảm xúc thực chất là những ký ức về phản ứng của chúng ta với tình huống bên ngoài. Những ký ức cảm xúc đó được lưu lại trong não bộ để ta ứng phó với những sự kiện hiện tại.

Ví dụ: trong quá khứ bạn đã từng bị chó cắn, lúc bị cắn cảm giác sợ hãi hoặc đau đớn nảy sinh. Từ đó cứ mỗi lần nhìn thấy chó hoặc thấy một con vật nhiều lông hoặc tiếng gầm gừ ngay lâp tức bạn có cảm giác sợ hãi.

Nếu chúng ta thay con chó bởi những hình ảnh khác như nói trước đám đông hoặc bị bỏ rơi thì cảm xúc cũng vẫn tương tự như vậy. Nói cách khác thì cảm xúc sẽ đến từ những ký ức lõi (một ký ức có tác động mạnh hoặc những ký ức nhỏ lặp đi lặp lại để não bộ ghi nhớ).

Trong những tình huống như vậy cảm xúc sẽ giống như một người lính canh. Khi nhận thấy có tình huống gây nguy hiểm, não bộ sẽ kiểm tra với những ký ức cũ, phát đi cảm xúc để có những bộ hành vi tương ứng:

🍁 Khi giận dữ máu sẽ dồn xuống bàn tay trợ giúp việc cầm nắm vũ khí hoặc tấn công ‘kẻ thù”, tim đập nhanh và adrenaline tiết ra giải phóng năng lượng đủ mạnh để biến thành hành động quyết liệt. Vì thế mà khi tức giận chúng ta hay có xu hướng đánh người khác hoặc đập phá đồ đạc.

🍁 Khi sợ hãi máu dồn xuống khối cơ lớn như chân để chạy nhanh hơn và khiến mặt tái nhợt vì thiếu máu, cơ thể tê liệt trong khoảnh khắc để não bộ có thời gian phán đoán. Vì thế mà khi sợ hãi chúng ta hay có xu hướng né tránh hoặc chạy trốn.

🍁 Khi ngạc nhiên lông mày sẽ nhướn lên làm mở rộng tầm nhìn và tăng lượng ánh sáng tiếp xúc với võng mạc. Phản ứng này giúp não bộ thu thập thêm thông tin để tìm hiểu chính xác về tình huống không mong đợi và đưa ra phương án tốt nhất.

Trên đây chỉ là diễn giải về một vài cảm xúc nhưng đọc xong bạn thấy thế nào? Khi nhìn nhận ở góc độ này, cảm xúc đơn giản là phản ứng sinh lý của cơ thể.

Tưởng là ‘báo đời’ những rõ ràng những cảm xúc tiêu cực đều chỉ đang cố gắng giúp ta đáp ứng với tình huống bên ngoài Nhưng cho dù như vậy thì chúng ta cũng không thể phủ nhận cảm xúc đôi lúc khiến chúng ta rất khó chịu và cản trở cuộc sống. Đó là những lúc tiếng nói cảm xúc quá lớn, lấn át lý trí và cản trở hành vi. Nếu bạn thường xuyên gặp những vấn đề như vậy đơn giản bởi vì cảm xúc của bạn đang bị tích trữ, tắc ngẽn quá lâu dẫn đến rối loạn. Hoặc nói 1 cách dễ hiểu thì “người lính canh” của bạn của bạn bị hỏng mất nút tắt bật của chuông báo động và nó cứ hú hét liên hồi khiến bạn phát điên, quay cuồng và không biết phải thoát ra bằng cách nào.

Vậy nên mục đích của chúng ta không phải là vô hiệu hóa “người bảo vệ” đó vĩnh viễn mà lắng nghe xem anh ta đó đang muốn nói với chúng ta điều gì. Khi cảm xúc lên tiếng tức là có vấn đề gì đó không ổn đang xảy ra. Nó đơn giản là “phản ứng hoá học” giữa những nhận thức bên trong và tình huống bên ngoài và gửi đến ta một số thông điệp:

🌱 Sự tức giận tức là lời cảnh báo cho những giới hạn của bạn đang bị xâm phạm hoặc bạn cần phải xem xét lại những luật lệ bạn tạo nên có đang phù hợp hay không
🌱 Sự lo lắng hay căng thẳng là lời nhắc nhở để bạn tập trung và chỉn chu hơn
🌱 Sự đánh giá là người giám sát để bạn kiểm tra mọi việc thật cẩn thận
🌱 Sự sợ hãi là dấu hiệu để bạn nhận diện vòng an toàn của chính mình

Bạn thấy đấy mọi thứ, mọi cảm xúc đều mang một giá trị, một ý nghĩa phục vu cho chúng ta. Nó chỉ trở nên bất lợi khi rối loạn và rối loạn có nghĩa là khi nó gây hại đến các mối quan hệ, làm giảm chất lượng cuộc sống hay cản trở ta đến với cuộc sống mà mình mong muốn.

Nếu bạn có những vấn đề đó thay vì tìm đến chữa lành hay trị liệu để thấy vui hơn thì hãy thay đổi góc nhìn của mình. Cái bạn cần là gia tăng kiến thức về những phản ứng tâm-sinh lý của con người, gia tăng cái biết về bản thân mình và trang bị những công cụ để làm việc với cảm xúc, suy nghĩ.

Suy cho cùng thay vì triệt tiêu hay đối đầu hãy coi cảm xúc như những người bạn với nhu cầu được lắng nghe và thấu hiểu bạn nhé.

Ngọc Phạm
—————————
VCP – Tâm lý học tâm thức Việt Nam
• Hotline/Zalo: 0328372737
• Email: tamlyhoctamthuc.vn@gmail.com
• Website: tamlyhocvn.com
Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo