ĐỒNG CẢM LÀ GÌ? SỰ KHÁC BIỆT GIỮA 3 LOẠI ĐỒNG CẢM

Bạn có biết thực tế có ba loại đồng cảm? Nắm được sự khác biệt này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về sự đồng cảm là gì và cách xây dựng nó.

 

 

Đồng cảm là khả năng hiểu và chia sẻ suy nghĩ hoặc cảm xúc của người khác. Đó là một dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc, một khả năng quan trọng cho phép bạn hiểu rõ hơn về người khác và củng cố các mối quan hệ của mình.

Để cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác, bạn không nhất thiết phải cùng trải qua những trải nghiệm và tình huống của họ. Nhưng bạn phải có hai điều:

–          Sự thôi thúc và mong muốn quan tâm đến suy nghĩ hoặc cảm xúc của ai đó

–          Sự chủ động tưởng tượng

Nhưng bạn có biết rằng có ba loại đồng cảm khác nhau?

Các nhà tâm lý học Daniel Goleman và Paul Ekman là hai trong số những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ cảm xúc và sự đồng cảm.

Trong một bài viết cho Tạp chí Greater Good, một ấn phẩm của Trung tâm Khoa học Greater Good tại Đại học California, Berkeley, Goleman và Ekman đã chia khái niệm về sự đồng cảm thành ba loại sau:

–          Sự đồng cảm nhận thức

–          Sự đồng cảm về mặt cảm xúc

–          Sự đồng cảm trắc ẩn

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn từng loại, chúng liên quan với nhau như thế nào cũng như cách bạn có thể xây dựng và biểu đạt từng loại.

Sự đồng cảm nhận thức là gì?

Sự đồng cảm nhận thức là khả năng hiểu được cảm xúc của một người và những gì họ (có thể) đang nghĩ.

Đây là hình thức đồng cảm cơ bản nhất, nhưng nó cực kỳ mạnh mẽ. Nó giúp bạn hiểu lý do ẩn sau lời nói và hành động của người khác. Điều này cho bạn một bức tranh chính xác hơn về đối phương.

Ví dụ: Nếu một đồng nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong công việc, sự đồng cảm về mặt nhận thức sẽ cho phép bạn nhìn thấy đằng sau tình huống đó. Thay vì coi người đó là lười biếng hoặc không có năng lực, bạn hãy cố gắng hiểu điều gì có thể khiến công việc của người đó gặp khó khăn. Họ đang phải chịu đựng điều gì? Liệu có điều gì đó đã thay đổi trong cuộc sống cá nhân của họ?

Ngoài việc giúp bạn hiểu rõ hơn, sự đồng cảm về mặt nhận thức còn giúp bạn trở thành người giao tiếp tốt hơn vì nó giúp bạn truyền đạt thông tin theo cách mà người khác cũng có thể hiểu được.

Sự đồng cảm về mặt cảm xúc là gì?

Sự đồng cảm về mặt cảm xúc (còn được gọi là sự đồng cảm về tình cảm) tiến xa hơn một bước so với việc hiểu cảm xúc của người khác, đó là khả năng thực sự chia sẻ những cảm xúc đó. Một số người đã mô tả sự đồng cảm về mặt cảm xúc là cảm nhận “nỗi đau của bạn trong trái tim tôi”.

Sự đồng cảm về mặt cảm xúc cho phép bạn liên hệ tốt hơn với người khác, bất kể bạn có đồng ý với họ hay không hoặc bất kể bạn nhìn nhận hoàn cảnh của họ như thế nào.

Ví dụ: Giả sử đồng nghiệp của bạn nói với bạn rằng họ đặc biệt căng thẳng vì một số vấn đề với con cái. Bạn chưa từng gặp phải những vấn đề tương tự với con mình, có thể bạn thậm chí chưa có con, nhưng bạn hiểu rằng tình huống đó rất khó khăn và có thể ảnh hưởng đến công việc của họ.

Khi bạn thể hiện sự đồng cảm về mặt cảm xúc, bạn đang cố gắng liên hệ với cảm xúc của họ. Bạn nghĩ về khoảng thời gian mà bạn đặc biệt căng thẳng – không phải vì con cái mà vì điều gì khác. Có lẽ đó là một bài thuyết trình quan trọng bạn phải nói trước đám đông. Hoặc có thể bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn với người yêu của mình.

Chìa khóa ở đây là bạn cố gắng kết nối với cảm giác chứ không phải tình huống. Và khi làm vậy, bạn đang xây dựng mối liên hệ với người khác, điều này thường dẫn đến loại đồng cảm thứ ba.

Sự đồng cảm trắc ẩn là gì?

Sự đồng cảm đầy trắc ẩn (còn được gọi là sự đồng cảm quan tâm) không chỉ đơn giản là hiểu người khác và chia sẻ cảm xúc của họ, nó còn thúc đẩy bạn hành động và giúp đỡ theo một cách nào đó.

Quay lại với đồng nghiệp của bạn: Bạn đã có thể hiểu được họ đang nghĩ gì và cảm thấy gì. Bạn thậm chí đã tìm ra cách để chia sẻ những cảm xúc đó, mặc dù hoàn cảnh của bạn rất khác với họ.

Bây giờ, sự đồng cảm trắc ẩn truyền cảm hứng cho bạn làm điều gì đó. Nếu bạn là trưởng nhóm, có thể bạn sẽ giảm bớt căng thẳng bằng cách kéo dài thời hạn deadline hoặc nhờ một đồng đội ít bận rộn hơn giúp đỡ công việc hiện tại cho họ. Hoặc, với tư cách là một đồng đội, bạn có thể tình nguyện giúp đỡ.

Không chỉ trao đi một đôi tai biết lắng nghe, bạn cũng có thể hành động như sau: “Tôi cảm nhận được điều bạn đang cảm thấy. Hãy để tôi giúp bạn.”

Điều đó không chỉ giúp đồng nghiệp của bạn vượt qua khó khăn mà còn củng cố mối quan hệ và khuyến khích họ làm điều tương tự cho người khác.

Bây giờ bạn đã hiểu sự khác biệt giữa ba loại đồng cảm, hãy đảm bảo kiểm tra xem bạn có thể xây dựng từng loại như thế nào.

Làm thế nào để xây dựng sự đồng cảm nhận thức?

Để xây dựng sự đồng cảm về mặt nhận thức, bạn phải làm hai việc:

–          Luyện tập lắng nghe tích cực

–          Sử dụng trí tưởng tượng của bạn

Lắng nghe tích cực không chỉ đơn thuần là tạo cơ hội cho người khác nói. Bạn phải chú ý đến những gì họ đang nói và rút ra những bài học từ đó.

Điều đó bắt đầu với việc:

–          Đặt điện thoại hoặc máy tính của bạn sang một bên và dành cho đối phương sự sự chú ý hoàn toàn

–          Cưỡng lại sự thôi thúc làm gián đoạn

–          Cho người khác thời gian để thể hiện đầy đủ bản thân

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người kia không phải là người nói nhiều hoặc ngại chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình?

Lắng nghe tích cực cũng bao gồm việc đặt câu hỏi để thu hút người khác. Để giúp người khác cởi mở hơn, bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi hoặc nói điều gì đó như:

–          Mọi chuyện thế nào rồi?

–          Có điều gì đó trong tâm trí của bạn?

–          Tôi nhận thấy bạn đang không phải là chính mình. Bạn có cảm thấy muốn nói về nó không?

Tất nhiên, bạn không muốn ép ai phải nói chuyện. Nếu bây giờ không phải là thời điểm thích hợp, bạn có thể nói đơn giản: “Tôi ở đây nếu bạn muốn nói về chuyện đó”.

Tiếp theo, bạn phải sử dụng trí tưởng tượng của mình. Cố gắng nhìn xa hơn những lời mà người đó đang nói và những gì họ đang giao tiếp bằng nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Hãy nhớ rằng bạn đang đưa ra những phỏng đoán dựa trên những gì bạn biết về người đó, cảm xúc và hành vi của chính bạn cũng như kinh nghiệm tích lũy của bạn khi đối xử với người khác.

Sau cuộc trò chuyện, hãy dành thời gian để suy nghĩ về bất kỳ phản hồi nào họ đưa ra. Bằng cách đó, bạn không chỉ hiểu rõ hơn về họ mà còn tìm hiểu thêm về cách người khác nhìn nhận phong cách giao tiếp của bạn. Tất cả những điều này đang giúp bạn xây dựng nhận thức về bản thân và xã hội, những yếu tố then chốt của trí tuệ cảm xúc.

Làm thế nào để xây dựng sự đồng cảm về mặt cảm xúc?

Để đạt được sự đồng cảm về mặt cảm xúc, bạn sẽ phải tiến xa hơn nữa. Mục tiêu của bạn là xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn bằng cách thực sự chia sẻ cảm xúc của người khác.

Khi ai đó nói về trải nghiệm của họ, hãy lắng nghe cẩn thận. Cưỡng lại sự thôi thúc phán xét, ngắt lời và chia sẻ kinh nghiệm của riêng bạn hoặc đề xuất một giải pháp. Thay vào đó, hãy tập trung tìm hiểu cách thức và lý do: người đó cảm thấy thế nào và tại sao họ lại cảm thấy như vậy.

Bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn cảm giác của người đó, bạn phải tìm cách chia sẻ cảm giác đó. Hãy tự hỏi: Tôi đã cảm thấy như vậy khi nào?

Hãy nhớ rằng, điều quan trọng là kết nối đến cảm giác chứ không phải tình huống. Tiến sĩ Hendrie Weisinger, tác giả cuốn sách bán chạy nhất Trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc, đã từng minh họa rõ ràng cho tôi điều này.

“Khi một người nói: “Tôi đã làm hỏng một bài thuyết trình”, tôi nhận ra mình chưa từng rơi vào tình huống đó và thấy rằng nó cũng không có gì to tát cả. Nhưng tôi đã nghĩ về một thời điểm mà tôi cảm thấy mình đã làm sai, có thể là một bài kiểm tra hoặc điều gì đó quan trọng với tôi. Thứ tôi muốn là nhớ lại cảm giác thất bại chứ không phải sự kiện”

Khi bạn đã tìm ra cách kết nối với cảm xúc của người khác, bạn đã sẵn sàng thể hiện sự đồng cảm đầy trắc ẩn.

Làm thế nào để thể hiện sự đồng cảm trắc ẩn?

Để thể hiện sự đồng cảm đầy trắc ẩn, hãy thử nghĩ xem bạn có thể làm gì để giúp đỡ người khác.

Bạn có thể hỏi trực tiếp họ, nhưng tùy vào từng người mà họ có thể đưa ra câu trả lời cho bạn hoặc không. Trong nhiều trường hợp, sẽ rất hữu ích nếu bạn tự hỏi: Điều gì sẽ giúp tôi nếu tôi cảm thấy như thế này?

Hãy nhớ rằng những gì có tác dụng với bạn hoặc thậm chí với người khác có thể không có tác dụng với người này. Nhưng đừng để điều đó cản trở bạn cố gắng giúp đỡ.

Như bạn có thể thấy, sự đồng cảm là một phẩm chất phức tạp, có nhiều loại và nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là khả năng chia sẻ cảm xúc của người khác. Để đi trong đôi giày của họ. Để đặt nỗi đau của họ vào trái tim bạn.

Cuối cùng, có thể không thể tưởng tượng được chính xác cảm giác của người khác. Nhưng bằng cách phát triển sự đồng cảm, bạn sẽ tiến gần hơn nhiều so với những gì bạn có thể làm.

 

Biên dịch: Ngọc Phạm

Nguồn: https://eqapplied.com/article/what-is-empathy-understanding-3-types-of-empathy-how-they-differ/

Nguồn ảnh: thecut.com,nytimes.com

—————————

VCP – Tâm lý học tâm thức Việt Nam

Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo