“Phương pháp giao tiếp giúp con người khơi dậy lòng trắc ẩn và ý muốn cho đi từ trái tim”. Một công cụ không thể thiếu để giúp mỗi người có đời sống nội tậm, đời sống xã hội và những mối quan hệ chất lượng, lành mạnh và hài hòa hơn.
Giao tiếp trắc ẩn là gì?
Giao tiếp phi bạo lực (NVC) hay còn được gọi là giao tiếp trắc ẩn là một cách tiếp cận giao tiếp dựa trên các nguyên tắc bất bạo động. Nguyên lý của nó không là để chấm dứt những bất đông mà hướng tới tăng cường sự đồng cảm và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người ứng dụng nó. NVC được nhà tâm lý học Marshall Rosenberg phát triển từ các khái niệm được sử dụng trong liệu pháp lấy con người làm trung tâm.
NVC là công cụ giao tiếp với mục tiêu là sự hòa hợp giữa các cá nhân, thúc đẩy việc tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề đang gặp phải. Có thể nói đây là kỹ năng rất quan trọng và cần thiết để tìm tiếng nói chúng trong các mối quan hệ giữa người và người.
Đây là “phương pháp giao tiếp giúp con người khơi dậy lòng trắc ẩn và ý muốn cho đi từ trái tim”. Thật vậy, NVC cho rằng hầu hết xung đột giữa các cá nhân hoặc nhóm phát sinh từ việc hiểu sai về nhu cầu của đôi bên. Đối ngược với giao tiếp phi bạo lực là giao tiếp bạo lực được thể hiện bằng cách sử dụng ngôn từ mang tính phán xét, đổ lỗi, trừng phạt hay muốn chế ngự. Trong khi đó dưới lăng kính của NVC mỗi cảm xúc hay hành vi tiêu cực đều ẩn chứa một nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng. Vì thế thay vì nhận định ai đúng ai sai, đơn giản là nhận ra nhu cầu của hai bên và cùng hướng đến giải pháp thỏa mãi những nhu cầu đó cùng một lúc.
Các thành tố của Giao tiếp trắc ẩn
Có bốn thành phần để thực hành giao tiếp bất bạo động:
– Quan sát: Đây là những sự thật (những gì chúng ta đang nhìn, nghe hoặc chạm vào). Nó rất khác biệt với sự đánh giá thường diễn ra trong tâm trí. NVC không khuyến khích lối suy nghĩ khái quá hóa, có nghĩa là vội vàng đưa ra kết luận khi chưa có đủ thông tin. Tuy nhiên đây lại là cách thường xảy ra trong giao tiếp. Khi chúng ta trộn lẫn giữa quan sát và đánh giá khi giao tiếp, đối phương sẽ có xu hướng thấy rằng đó là những lời chỉ trích. Xung đột cũng từ đó mà nảy sinh. Ví dụ: Khi ai đó đến muộn trong một cuộc hẹn, chúng ta dễ dàng đưa ra những nhận định như: “Người này thật bất lịch sự” hoặc “Người này thiếu tôn trọng mình”. Những kiểu suy nghĩa hoặc câu nói như vậy thực chất là một sự đánh giá. Trong khi đó nếu diễn đạt lại bằng sự quan sát sẽ đơn giản là: “Cuộc hẹn hôm nay với tôi người đó đã đến muộn 30’”
– Cảm xúc: Đây là những cảm xúc hoặc cảm giác, không có suy nghĩ và câu chuyện. Chúng ta cần phân biệt rất rõ giữa cảm xúc và suy nghĩ. Ví dụ: “Tôi cảm thấy mình không nhận được một thỏa thuận công bằng”. Mặc dù được diễn đạt với động từ “cảm nhận” nhưng đây lại là một suy nghĩ. Khi diễn đạt cảm xúc với sự quan sát sẽ như sau: “Khi sếp không chấp nhận đề xuất tăng lương của tôi, tôi cảm thấy tức giận và có suy nghĩ mình không nhận được một thỏa thuận công bằng. Việc xác định cảm xúc rất quan trọng vì nó sẽ giúp chúng ta kết nối với nhu cầu của mình một cách dễ dàng hơn. Cảm xúc tiêu cực chính là tiếng gào thét của một nhu cầu không được đáp ứng.
– Nhu cầu: Có thể nói nhu cầu chính là điểm chung giữa người và người. Suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều có những nhu cầu giống nhau. Việc kết nối thông qua cảm xúc và nhu cầu sẽ giúp mối quan hệ có sự thấu hiểu sâu sắc giữa đôi bên, khơi gợi những điểm chung và long trắc ẩn. Marshall Rosenberg đã phân chia thành 9 nhóm nhu cầu khác nhau: dinh dưỡng, an toàn, tình yêu, hiểu biết/đồng cảm, sáng tạo, giải trí, cảm giác thuộc về, tự chủ và ý nghĩa
– Yêu cầu: Hãy nhớ rằng NVC là phương pháp giao tiếp hướng đến giải pháp. Chính vì thế sau khi đã xác định rõ 3 thành tố trên mỗi người cần nhận diện và đưa ra những yêu cầu của mình trong giao tiếp. Yêu cầu được phân biệt với mệnh lệnh hoặc đòi hỏi ở chỗ chúng ta sẽ sẵn sàng nhận câu trả lời “không” cho mong muốn của mình mà không gây sức ép hay đánh giá việc đó. Khi đưa ra yêu cầu hãy chỉ rõ những hành động cụ thể mà bạn mong muốn thay vì chỉ đề cập đến một cách chung chung. Nhu cầu càng rõ rang thì khả năng được đáp ứng càng cao. Ví dụ: thay vì nói “Em muốn anh quan tâm đến em hơn”, hãy nói “Em muốn anh nhắn tin hỏi thăm mỗi khi em ốm, nói chuyện với em sau khi đi làm về,…”
3 nguyên lý của việc thực hành Giao tiếp trắc ẩn
– Đồng cảm: Sự đồng cảm sẽ khơi gợi tính trắc ẩn trong việc kết nối với những gì xảy ra bên trong chúng ta. Điều này liên quan đến việc nhận thức được về những suy nghĩ, phán đoán, cảm xúc và nhu cầu đang ảnh hưởng đến chúng ta mỗi giây phút.
– Tiếp nhận một cách đồng cảm: dưới góc nhìn của NVC trong tương tác giữa người và người cần có “sự hiểu biết tôn trọng những gì người khác đang trải qua” và “làm trống tâm trí, lắng nghe bằng cả con người chúng ta”. Ý muốn nhấn mạnh sự kết nối không dừng lại ở sự hiểu biết của cái đầu mà phải là sự hiểu biết về trái tim. Ở đó chúng ta thấy được vẻ đẹp, năng lượng thiêng liêng và sự sống ở người khác. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta phải có những cảm xúc giống như người kia, rằng chúng ta phải cảm thấy buồn vì người khác đang buồn. Quan trọng là chúng ta có thể nhìn nhận được những cảm xúc và nhu cầu ở đối phương giống như trong chính mình
– Thể hiện một cách trung thực: NVC luôn đề cao sự trung thực với chính mình. Giao thiếp trắc ẩn hay đồng cảm không có nghĩa là ta phải gạt đi những mong cầu bên trong để thấu hiểu người khác. Trung thực ở đây là có trách nhiệm với cảm xúc, hành vi của mình.Nếu trong một cuộc giao tiếp, bạn không thể đồng cảm với cảm xúc và nhu cầu của đối phương, hãy rời bỏ cuộc nói chuyện đó và quay trở lại khi đã sẵn sàng. Việc này đòi hỏi chúng ta cần nhiều sự kiên nhẫn và nhạy cảm với những tiếng nói li ti bên trong.
Biên tập: Ngọc Phạm