Trong tâm lý trị liệu, kế hoạch điều trị đề cập đến các mục tiêu cụ thể của bạn và các liệu pháp can thiệp mà nhà trị liệu của bạn sử dụng để giúp bạn đạt được những mục tiêu này. Thông thường, một kế hoạch điều trị được tạo ra trong giai đoạn đầu của quá trình trị liệu, và nó đóng vai trò như một bản hướng dẫn cho các phiên trị liệu sau này.
Kế hoạch điều trị thường được cập nhật định kỳ, thường sau mỗi 3 hoặc 6 tháng, để phản ánh sự thay đổi trong ưu tiên của bạn và để đánh giá tiến bộ mà bạn đã đạt được.
Kế Hoạch Điều Trị Được Thiết Kế Như Thế Nào?
Một kế hoạch điều trị thường được thảo luận trong buổi trị liệu đầu tiên hoặc trong giai đoạn đầu của quá trình trị liệu. Một câu hỏi phổ biến mà nhà trị liệu của bạn sẽ hỏi bạn là “Bạn hy vọng đạt được điều gì khi tham gia trị liệu?” Họ cũng có thể hỏi những câu như, “Mục tiêu của bạn cho quá trình điều trị là gì?” hoặc “Làm thế nào bạn biết rằng mọi thứ đã cải thiện?”
Thường thì, người ta đi trị liệu vì họ có cảm giác rằng có điều gì đó không ổn với họ ngay cả khi họ không có khả năng diễn đạt nó là gì hoặc làm thế nào để khắc phục nó.
Hãy nhớ rằng nhà trị liệu là một chuyên gia về phương pháp điều trị cụ thể của họ, nhưng bạn là chuyên gia về chính mình. Nhà trị liệu sẽ cần bạn chia sẻ với họ về quá khứ của bạn, triệu chứng của vấn đề, nhu cầu của bạn, và bạn có thể chia sẻ những ưu tiên của bạn trong điều trị với họ.
Đôi khi người ta quen với sự trầm cảm, lo lắng hoặc suy nghĩ ám ảnh đến mức họ không nhận ra rằng những triệu chứng này đang ảnh hưởng đến sức khỏe, mối quan hệ hoặc chức năng hàng ngày của họ.
Nhà trị liệu của bạn có thể tạo ra những kết nối mà bạn không thấy và có ý tưởng về kế hoạch điều trị của bạn dựa trên những quan sát này. Cách tiếp cận hợp tác này có thể đảm bảo cho những tiến bộ của bạn trong quá trình trị liệu.
Nếu nhà trị liệu của bạn đề xuất điều gì đó khiến bạn không thoải mái, bạn có thể cho họ biết. Nhà trị liệu của bạn có thể giải quyết những lo ngại của bạn bằng cách trả lời các câu hỏi mà bạn có, hoặc họ có thể chọn liệu pháp can thiệp tâm lý phù hợp hơn với bạn.
Các Loại Kế Hoạch Điều Trị
Mỗi kế hoạch điều trị là duy nhất và dựa trên các triệu chứng, nhu cầu và mục tiêu của từng cá nhân. Tuy nhiên, nhà trị liệu của bạn có thể chọn các can thiệp dựa trên định hướng lý thuyết của họ. Khi tìm kiếm một nhà trị liệu, bạn có thể hỏi về phương pháp điều trị của họ và những điều họ ưu tiên trong kế hoạch điều trị.
Thông thường, một kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các mục tiêu mà bạn muốn đạt được thông qua quá trình trị liệu tâm lý, cũng như các liệu pháp can thiệp cụ thể mà nhà trị liệu của bạn có thể sử dụng để giúp bạn đạt được những mục tiêu đó.
Một số ví dụ về các liệu pháp mà một nhà trị liệu có thể chọn khi đồng hành với bạn, bao gồm:
- Liệu pháp Hành vi Nhận thức: Một nhà trị liệu sử dụng phương pháp này sẽ giúp bạn khám phá cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn tương tác với nhau. Họ có thể đề xuất các mục tiêu liên quan đến việc nhận diện các suy nghĩ có hại hoặc sai lầm và thay thế chúng bằng các suy nghĩ hữu ích, đúng đắn.
- Liệu pháp Tâm động học: Một nhà trị liệu tâm động học khám phá các mô thức trong cuộc sống của bạn và giúp bạn tìm ra nguyên nhân cảm xúc gốc rễ của những mô thức này. Họ có thể yêu cầu bạn khám phá các kết nối giữa các sự kiện khác nhau.
- Liệu pháp Chấp nhận và Cam Kết: Nhà trị liệu theo phương pháp này sẽ giúp bạn chấp nhận các suy nghĩ, cảm xúc, hoàn cảnh tiêu cực và khuyến khích bạn tham gia các hoạt động tích cực nhằm duy trì giá trị và mục tiêu cá nhân.
- Liệu pháp Tường thuật: Các nhà trị liệu theo phương pháp tường thuật khái niệm hóa các câu chuyện của bạn để giúp bạn trở thành chuyên gia của chính mình và phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân.
- Liệu pháp Dựa trên Sức mạnh: Một nhà trị liệu với liệu pháp này muốn dạy bạn nhận diện sức mạnh của chính mình và tối đa hóa ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống của bạn. Họ tin rằng bạn đã có sức mạnh trong bản thân và muốn giúp bạn nhận ra chúng.
Mục Tiêu Điều Trị
Mục tiêu điều trị có thể là bất kỳ điều gì bạn muốn đạt được thông qua quá trình trị liệu tâm lý. Chúng phải là những điều mà nhà trị liệu có thể giúp bạn, và chúng có thể phát triển theo thời gian. Nhiều nhà trị liệu sử dụng mô hình SMART để tạo ra các mục tiêu điều trị:
- S – Cụ thể (Specific): Bạn đang cố gắng đạt được điều gì từ việc tham gia trị liệu tâm lý? “Sự cải thiện” đối với bạn là gì?
- M – Đo lường (Measurable): Làm thế nào bạn có thể biết được rằng bạn đang tiến bộ đối với những mục tiêu này?
- A – Có thể đạt được (Attainable): Đây có phải là một mục tiêu hợp lý, có thể thực hiện được không?
- R – Liên quan (Relevant): Mục tiêu này có liên quan đến lý do bạn đến điều trị không?
- T – Có giới hạn thời gian (Time-limited): Cần bao lâu thời gian để đạt được mục tiêu trị liệu?
Một số ví dụ về mục tiêu điều trị có thể là:
- Một người gặp khó khăn khi rời khỏi nhà có thể có mục tiêu là “đi thăm một người bạn sống ở thị trấn bên cạnh”.
- Một cặp đôi có thể muốn “phát triển kỹ năng giao tiếp lành mạnh”.
- Một người tham gia vào hành vi tự hại có thể muốn học cách “ngừng hoặc giải quyết các vấn đề gốc rễ góp phần vào hành vi này”.
- Một người có lịch sử chấn thương tâm lý có thể muốn “có khả năng chịu đựng tốt hơn các yếu tố kích hoạt hoặc ít hồi tưởng về những gì đã xảy ra với họ trong quá khứ”.
Không có một mục tiêu nào là “đúng nhất” nào khi bạn bước vào quá trình trị liệu, và nhà trị liệu của bạn có thể giúp bạn quyết định các mục tiêu nào sẽ có lợi cho bạn và cải thiện cuộc sống của bạn.
Khi Nào Cần Cập Nhật Kế Hoạch Điều Trị
Nhiều nhà trị liệu cập nhật kế hoạch điều trị của khách hàng sau mỗi sáu tháng. Điều này cho phép khách hàng có đủ thời gian để có những tiến bộ trong các mục tiêu của họ, và có cái nhìn sâu sắc về những thay đổi họ muốn thấy trong cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, bạn không cần phải chờ đợi tới 6 tháng, mà bạn và nhà trị liệu của bạn có thể cập nhật kế hoạch điều trị của bạn vào các thời điểm khác nhau, phù hợp với tiến trình phát triển của bạn.
Nếu bạn trải qua một cơn tái phát, hoặc các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể cần thay đổi mục tiêu của mình để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của bạn. Nếu bạn trải qua một sự kiện chấn thương hoặc khủng hoảng cá nhân, điều này có thể yêu cầu một sự tập trung ngay lập tức hơn trong quá trình điều trị của bạn so với các mục tiêu trước đó.
Bạn cũng có thể nhận thấy rằng bạn đã đạt được một hoặc nhiều mục tiêu điều trị của mình, và bạn có thể muốn nói chuyện với nhà trị liệu về việc tập trung vào một khía cạnh khác của sức khỏe tâm thần của bạn. Tương tự, nếu nhà trị liệu của bạn nhận thấy rằng bạn đã tiến bộ đáng kể trong một lĩnh vực, họ có thể hỏi liệu bạn đã sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch điều trị của mình chưa.
Kế hoạch điều trị là một phần quan trọng của quá trình trị liệu. Chúng định hình quá trình trị liệu tâm lý của bạn, cho phép bạn và nhà trị liệu làm việc cùng nhau để giúp bạn đạt được các mục tiêu sức khỏe tâm thần của mình.
Nguồn: Tiến sĩ Tâm Lý Amy Marschall, Very Well Mind
Dịch và Biên tập: Nhà trị liệu Quỳnh Anh – VCP Tâm Lý Học Tâm Thức Việt Nam