Lòng tự trắc ẩn (self-compassion) là gì?

Khái niệm lòng tự trắc ẩn (self-compassion)

Lòng tự trắc ẩn (self-compassion) được Kristin D. Neff tiên phong nghiên cứu từ những năm 2003, bà cho rằng: “Lòng tự trắc ẩn đơn giản là lòng trắc ẩn hướng vào nội tâm bản thân ta, liên hệ với chính ta như là đối tượng của sự quan tâm và chăm sóc khi đối mặt với các trải nghiệm đau khổ“.

Neff chỉ ra rõ tự trắc ẩn không phải là ích kỉ, tự cho mình là trung tâm, bà nhấn mạnh rằng: Lòng tự trắc ẩn không phải là trở nên ích kỉ hay coi mình là trung tâm, cũng không phải là sự ưu tiên các nhu cầu của bản thân mình hơn những người khác. Thay vào đó, lòng trắc ẩn là sự thấu hiểu rằng tất cả mọi người, bao gồm cả bản thân mình, đều xứng đáng được nhận lòng trắc ẩn. Lòng tự trắc ẩn bao gồm việc trở nên cởi mở và thương cảm với đau khổ của chính mình, trải nghiệm cảm xúc của quan tâm và nhân ái với chính mình, đem lại sự thấu hiểu, thái độ trung lập với sự thiếu thốn và thất bại của bản thân và nhận ra kinh nghiệm của mình là một phần của trải nghiệm của toàn nhân loại.

Neff cũng cho rằng lòng tự trắc ẩn là khá khác biệt với lòng tự thương hại. Bà chỉ ra, khi một người cảm thấy thương hại người khác, họ thường cảm thấy riêng biệt và ngắt kết nối với người khác, trong khi ở lòng trắc ẩn, họ cảm thấy kết nối với người khác và biết rằng sự đau khổ đó là một phần của trải nghiệm của nhân loại. Tương tự, khi cảm thấy tự thương hại, ta sẽ nhấn chìm trong vấn đề của chính mình và quên mất rằng người khác cũng có vấn đề tương tự. Họ lờ đi mối quan hệ liên cá nhân với người khác, thay vì cảm thấy họ chỉ là một người trên thế giới đang đau khổ. Lòng tự thương hại nhấn mạnh cảm giác mình là trung tâm, tách biệt với người khác và thổi phồng quy mô của nỗi đau khổ cá nhân. Lòng tự trắc ẩn cho phép một người thấy sự liên kết giữa trải nghiệm, đau khổ của mình với người khác mà không mất đi sự kết nối hay bóp méo sự thật.

Neff phủ nhận quan điểm cho rằng nếu có tự trắc ẩn quá nhiều sẽ dẫn tới sự tiêu cực, bà cho rằng đó chưa phải sự tự trắc ẩn chân thật, thậm chí là sự thấp của lòng tự trắc ẩn. Khi có tự trắc ẩn, con người không phê bình quá gay gắt với những thất bại của bản thân, không cho rằng thất bại sẽ dẫn tới bị xem thường mà cần khuyến khích hành động cho sức khỏe và chức năng tối ưu của mình với lòng nhân ái và kiên nhẫn.

Như vậy, Lòng tự trắc ẩn là sự tự cảm thông trước đau khổ hay bất hạnh của chính mình, đồng thời tiếp nhận nỗi đau, bất hạnh đó với lòng nhân ái, kiên nhẫn, bình thản và mong muốn sâu sắc làm dịu bớt đau khổ, bất hạnh đó.

Các thành tố của lòng tự trắc ẩn

Nhiều quan điểm chỉ ra các thành tố của lòng trắc ẩn. Theo Gillbert (2009), lòng trắc ẩn bao gồm 6 khía cạnh: tính nhạy cảm, tính cảm thông, tính thấu cảm, sự chu đáo, tính không phán xét và sự khoan dung với khổ đau. Kanov và cs. (2006) cho rằng lòng trắc ẩn bao gồm 3 thành tố: Sự chú ý, sự cảm nhận và sự hồi đáp. Còn theo S. Strauss và cs. (2016) cho rằng lòng trắc ẩn bao gồm 5 thành tố: Sự nhận thức đau khổ, sự thấu hiểu Tính tương đồng nhân loại của đau khổ, cảm xúc cộng hưởng, sự khoan dung với cảm nhận không thoải mái và động cơ để hành động làm giảm đau khổ.

Trong khi đó, khái niệm lòng tự trắc ẩn được đông đảo các nhà nghiên cứu đồng ý với  Kristin D. Neff khi đưa ra 3 thành tố của lòng tự trắc ẩn. Và trong nghiên cứu này chúng tôi cũng cho rằng các thành tố của lòng tự trắc ẩn bao gồm:

Nhân ái với bản thân (self-kindness): Neff chỉ ra rằng ở văn hóa phương Tây, người ta nhấn mạnh đặc biệt đến việc đối xử nhân ái với người khác, nhưng lại không chú ý nhiều đến nhân ái với chính mình. Khi chúng ta phạm sai lầm hay thất bại, chúng ta thường rất khắt khe, tự chỉ trích với suy nghĩ “Bạn quá ngu dốt và lười biếng, tôi xấu hổ về bạn”. Chúng ta không thường nói với bản thân những điều như ta nói với người bạn thân của mình, thậm chí như với một người lạ khi họ sai lầm.

Hầu hết mọi người báo cáo rằng họ đối xử nhân ái với người khác hơn chính mình và dù khi xảy ra các vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát như mất việc hay tai nạn, chúng ta thường không cảm thông với chính mình như cách mà chúng ta làm thế với một người bạn trong tình huống tương tự. Với lòng nhân ái với bản thân, chúng ta khuyến khích và thấu hiểu với chính mình.

Những đoạn độc thoại nội tâm của chúng ta sẽ là nhân từ và khích lệ hơn là khắt khe và hạ thấp. Điều đó có nghĩa là thay vì liên tục làm kiệt sức bản thân vì cho rằng mình không đủ tốt, chúng ta hiểu biết một cách nhân ái rằng chúng ta đang làm tốt nhất những gì ta có thể. Cũng vậy, khi tình thế bên ngoài đầy thách thức và quá khó khăn, chúng ta trấn an và khích lệ chính mình. Chúng ta cảm thông nỗi đau của chính ta một cách êm ái và mong muốn làm dịu đi những đau khổ đang xuất hiện.

Tính tương đồng nhân loại (common humanity): Tính tương đồng nhân loại trong lòng tự trắc ẩn bao gồm việc nhận ra rằng mọi người đều có thể thất bại, sai lầm và phạm lỗi. Chúng ta không làm cái chúng ta muốn và cảm thấy thất vọng về chính mình hoặc hoàn cảnh bên ngoài. Đây là một phần trong kinh nghiệm nhân loại (ai cũng phải trải qua), một sự thật cơ bản trong cuộc sống của tất cả mọi người.

Chúng ta không đơn độc trong sự không hoàn hảo. Đúng hơn, sự không hoàn hảo của chúng ta khiến chúng ta là một phần của loài người. Thường thì chúng ta cảm thấy riêng biệt và tách rời người khác khi tính đến sự vật lộn trong cuộc sống, những thất bại ta trải qua và cảm thấy rằng chỉ mình mình mới gặp những điều khó khăn này. Chúng ta nghĩ chúng ta không bình thường, rằng mọi chuyện đang đi sai hướng, chúng ta quên mất rằng những thất bại của chúng ta thực sự là điều bình thường. Góc nhìn hạn hẹp này khiến ta cảm thấy cô đơn và riêng biệt, khiến đau khổ của chúng ta tệ hơn nữa.

Với lòng tự trắc ẩn, chúng ta mang quan điểm trắc ẩn người khác vào bên trong mình, cho phép chúng mở rộng hơn trong chính ta và trong cuộc sống của ta. Bằng việc nhớ chia sẻ kinh nghiệm nhân loại, chúng ta cảm thấy ít tách biệt hơn khi chúng ta đau khổ. Với điều này lòng tự trắc ẩn trở nên khác biệt với sự tự thương hại, tự thương ại là thái độ chỉ mình tôi và từng người trở nên tách biệt trong vấn đề của họ mà quên mất rằng người khác cũng có những vấn đề tương tự. Lòng tự trắc ẩn nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có đau khổ và như vậy khuyến khích sự kết nối quan niệm rằng đau khổ này cũng có ở người khác.

Being Mindful At Home - Celia Dunn Sotheby's International Realty

Chánh niệm (Mindfulness): là thành tố của lòng tự trắc ẩn bao gồm việc lưu tâm đến nhận thức về những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của chúng ta, chúng ta tiếp cận chúng với sự cân bằng và bình thản. Khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta có kinh nghiệm để đón nhận khoảnh khắc hiện tại mà không phán xét, tránh xa hay kìm nén.

Chánh niệm là thành tố cần thiết của lòng tự trắc ẩn. Bởi vì, chúng ta trở nên ý chí hơn để đón nhận và trải qua các suy nghĩ và cảm xúc đau đớn khi gắn chặt chúng ta với lòng trắc ẩn. Trong khi nó có vè như nỗi đau của chúng ta được che đậy,  nhiều người không hiểu chúng ta đau như thế nào, đặc biệt nỗi đau đó được bắt nguồn từ sự tự chỉ trích của chính chúng ta. Hoặc khi đối mặt với thách thức trong cuộc sống, chúng ta thường không dừng lại để xem nó thực sự khó khắc thế nào trong lúc này.

Chánh niệm về các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực có nghĩa là chúng ta không trở nên quá đồng nhất với chính mình. Hơn là việc tự chấp nhận tiêu cực con người thật của ta, chúng ta có thể nhận ra những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta đang giúp cho chính ta giảm bớt niềm tin mù quáng vào sự không hoàn hảo, vô giá trị của ta.

Trần Minh Điệp (Martin)

——–

• Hotline/Zalo: 0917098001
• Email: tamlyhoctamthuc.vn@gmail.com
• Website: tamlyhocvn.com
Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo