9 DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN ĐANG ĐI ĐÚNG HƯỚNG TRÊN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH

Những địa danh du lịch chữa lành “hút” doanh thu của châu Á - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Việc chữa lành tổn thương tinh thần không hề dễ dàng. Có rất nhiều định kiến sai lầm liên quan đến việc đi trị liệu tâm lý và thực hiện việc tự chữa lành. Nhiều người coi đó là điều mà những người yếu đuối hoặc điên rồ mới làm. Đó không phải sự thật. Việc chữa lành là một hành trình đòi hỏi sự can đảm rất lớn khi phải đối diện với những phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn.. Nó là một hành trình phát triển tình yêu thương và trí tuệ với chính mình và mọi người, đem lại sự hạnh phúc, bình an sâu sắc mà không gì bên ngoài bạn có thể lay chuyển hoặc lấy đi

Trong cuộc hành trình này, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được những nỗi đau của sự đối diện sâu sắc với bản thân mình. Hãy tiến về phía trước, mọi thứ vẫn đang đúng đường! Sự khó chịu này chính là cánh cửa, mà khi bạn bước qua, bạn bước vào một cuộc sống tươi đẹp hơn, nơi mà bạn có thể làm chủ tinh thần mình và có được sự bình yên nội tâm. Dưới đây là 9 trải nghiệm bạn có thể trải qua trong tiến trình chữa lành, hãy thấu hiểu nó và vững bước.

1. Bạn cho phép mình cảm nhận trọn vẹn các cảm xúc 

Khi bạn chưa chữa lành, bạn chủ yếu tập trung vào logic và tìm mọi cách để né tránh hay phủ nhận cảm xúc của bản thân. Mỗi khi bạn thấy mình đau buồn, bạn tìm mọi cách để mình vui như đi nhậu nhẹt, mua sắm hay vui chơi. Bạn không chấp nhận sự tồn tại của nỗi đau trong bạn. Bạn khó có thể dành thời gian và cho phép cảm xúc của bạn được thể hiện vì nó nhắc nhở bạn về sự tổn thương mà bạn muốn chôn giấu. 

Khi chữa lành, bạn bắt đầu thừa nhận những cảm xúc tiêu cực và tích cực của mình bởi vì bạn nhận ra rằng việc tập trung quá mức vào một thứ sẽ gây bất lợi cho toàn bộ con người bạn và rằng bạn là một con người toàn diện. Lúc đầu, điều đó thật khó chịu nhưng khi bạn không còn kìm nén hay phủ nhận chúng nữa, bạn chỉ cần để mình ngồi lại với chúng, cảm nhận từng cảm xúc và cho phép chúng trôi qua. Và dần dần bạn sẽ nhận ra các cảm xúc chỉ là cảm xúc, chúng đến và đi, bạn dần làm chủ cảm xúc của mình và không bị chúng chi phối. 

2. Bạn làm tốt hơn việc thể hiện và duy trì ranh giới bản thân

Khi bạn chưa được chữa lành hoặc đang trong quá trình trị liệu, bạn gặp khó khăn trong việc xác định và thể hiện các ranh giới vì bạn sợ bị từ chối. Bạn cảm giác xấu hổ và tội lỗi khi đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu hoặc nói ra những gì bạn nghĩ. Và rồi điều này dẫn đến sự oán giận tích tụ bên trong của bạn dành cho chính mình, những bức bối vì những nhu cầu bản thân không được quan tâm và tôn trọng. 

Việc đặt ra những ranh giới trong các mối quan hệ mới đầu bạn chưa thấy quen nhưng một khi bạn đã bắt đầu, nó sẽ tạo ra động lực lành mạnh hơn trong các mối quan hệ và bạn sẽ thoải mái hơn vì bạn đã nêu quan điểm và cảm xúc của mình. Bạn có ý kiến và cảm xúc rõ ràng và bạn có nhiều khả năng đưa ra quyết định của riêng mình hơn. 

3. Bạn chấp nhận rằng bạn đã có những trải nghiệm khó khăn

Cuộc sống thật khó khăn, áp lực và thay vì kìm nén tất cả những trải nghiệm bạn đã trải qua, bạn thừa nhận và chấp nhận rằng chúng đã xảy ra. Bạn chấp nhận rằng những người, địa điểm và sự việc này đã có tác động thay đổi cuộc sống của bạn và có thể vẫn như vậy. 

Một khi bạn đã chấp nhận rằng những sự kiện khó chịu này đã ảnh hưởng đến bạn, chúng thực sự bắt đầu không làm tổn thương bạn nữa vì bạn đã chấp nhận sự thật và lại chịu trách nhiệm về câu chuyện cuộc đời mình. 

4. Bạn phản ứng điềm tĩnh hơn 

Khi bạn tổn thương, mọi thứ và mọi người đều là mối đe dọa và bạn luôn tìm cách né tránh, đề phòng mọi người. Không có gì đáng tin cậy với bạn. Bạn cần phải liên tục tự vệ, bảo vệ mình trước các tình huống, con người mà bạn cho là nguy hiểm.

Khi bạn bắt đầu chữa lành, phản ứng trước kia của bạn là mắng mỏ, im lặng, bỏ chạy hoặc làm hài lòng mọi người sẽ được soi chiếu và dần dần nhường chỗ cho việc đặt câu hỏi về cảm xúc và phản ứng của bạn về mọi thứ. Bạn thậm chí còn thấy mình hỏi “tại sao tôi lại nghĩ như vậy?” “Suy nghĩ này đến từ đâu?”. Bạn bắt đầu thực hành việc tự điều chỉnh cảm xúc, tự phân tích suy nghĩ và chịu trách nhiệm. 

5. Bạn nhận ra rằng việc chữa lành không phải là tuyến tính

Việc chữa lành thật khó chịu vì bạn đang khám phá và đối mặt với những điều mà lẽ ra bạn muốn giữ sâu kín trong tiềm thức, khiến bạn vô cùng đau khổ khi bạn có thể cảm thấy trong cơ thể và tâm trí như thể nó vừa xảy ra. 

Một khi bạn đã hòa vào nhịp điệu, bạn nhận ra rằng một phần của quá trình chữa lành đó là sự đối diện và giải phóng các nỗi đau. Và điều này là bình thường và không sao cả. Vì chữa lành không phải là con đường thẳng dẫn đến sự bình yên mà là sự đối diện và chữa lành từng phần một của nỗi đau chất chứa trong bạn. Xong phần đau khổ này chúng ta lại làm việc với nỗi đau khác. Bạn hiểu và đã trải qua những thăng trầm của quá trình chữa lành và biết rằng cảm xúc của ngày hôm nay sẽ không khớp với cảm xúc của ngày mai, hoặc thậm chí là sau này. 

6. Bạn bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn của mình

Khi bạn chưa chữa lành, việc ra khỏi vùng an toàn không phải là điều mà ai cũng sẽ và có thể làm được. 

Khi đang trong quá trình chữa lành, bạn phát triển lòng dũng cảm đối với cảm xúc và tâm trí của mình. Với khả năng kiểm soát có ý thức mới này, bạn không còn sợ hãi trước những điều khiến bạn sợ hãi trước đây. Nói trước đám đông? Bây giờ bạn thường xuyên phát biểu và tham dự các nhóm sinh hoạt. Sợ làm thay đổi không gian sống? Bây giờ bạn đang trang trí lại phòng ngủ của mình và thử nghiệm những màu sơn mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm. 

7. Bạn dễ dàng chấp nhận sự thất vọng và vượt qua chúng

Cuộc sống là sự cân bằng giữa thành công và thất bại, ánh sáng và bóng tối, sự thăng trầm. Khi bạn chưa lành vết thương, sự thất vọng ập đến như một chiếc xe tải chở hàng đâm vào ngực bạn, đánh bật mọi động lực và niềm đam mê ra khỏi bạn. 

Với sự chữa lành, bạn hiểu rằng những ngày tồi tệ sẽ xảy ra, không thể tránh khỏi nhưng cũng chỉ là tạm thời. Bất kỳ sự thất vọng hoặc kỳ vọng không được đáp ứng đều được nhận diện và chấp nhận. Bạn thậm chí không phản ứng như trước đây. Những gì bạn phải mất vài ngày để khóc lóc giờ đã được xử lý trong một ngày hoặc thậm chí vài giờ. 

8. Bạn có nhiều bình an nội tâm hơn

Sự chữa lành mang lại sự tự hòa nhập. Bạn phát triển sự bình an nội tâm này bởi vì bạn tha thứ sâu sắc cho bản thân và bạn cũng có thể sẵn sàng tha thứ cho người khác. Bạn hiểu ra mỗi người đều có những đau khổ của họ và họ cũng đang trên hành trình học cách thấu hiểu và bảo vệ vết thương của mình.

Bạn chấp nhận các phần tính cách bên trong mình. Khi có được bình an và hòa hợp này,  bạn dung hòa được những khác biệt bên trong. Bạn không còn chỉ trích và chối bỏ tính cách của mình trong tâm trí nữa. 

9. Bạn cho phép mình nhận sự giúp đỡ

Với sự chữa lành, bạn bắt đầu nhận ra rằng dù mạnh mẽ đến đâu, bạn cũng không thể tự mình gánh vác và làm mọi việc. Bạn thực sự cần sự giúp đỡ và nó luôn sẵn sàng cho bạn. Bạn cởi mở hơn với sự hỗ trợ và ít lo sợ hơn khi nhu cầu hỗ trợ này được đáp ứng. Sự cảm thấy không xứng đáng và xấu hổ mà bạn có thể cảm thấy khi nhờ giúp đỡ đã không còn nữa vì bạn biết rằng bạn có thể trút bỏ gánh nặng nặng nề trên vai và có ai đó để dựa vào. 

Cuối cùng

Những bước chữa lành đầu tiên rất tuyệt vời nhưng bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu trong quá trình chữa lành và điều này có thể khiến bạn dừng lại để giảm bớt hoặc bỏ qua cơn đau. Nhưng bất cứ điều gì bạn chống lại, bạn sẽ kéo dài. Nỗi đau sẽ không bao giờ biến mất khi bạn chối bỏ nó nên hãy cho phép sự khó chịu đó lộ diện, được cảm nhận và giải phóng nó. Nếu bạn đang trong quá trình chữa lành thì thật tốt. Thật tự hào về bạn vì đã rất can đảm và kiên nhẫn. 

Cầu chúc bình an và phúc lành đến với bạn!

Nguồn: Psych2Go

Biên tập: Martin Minh Điệp

Bài viết liên quan
Contact Me on Zalo