Để nói về hiện tượng cảm xúc bị mắc kẹt người ta hay dùng thuật ngữ “gánh nặng” cảm xúc. Nó dùng để mô tả hiện tượng một người mang theo mình rất nhiều tổn thương trong quá khứ hoặc những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống. Điều này thậm chí có thể nhìn đấy được qua dáng đứng của họ, như thể đang mang trên mình một sức nặng không thể chịu nổi.
Thực tế thì mọi người đều có những cảm xúc chưa từng được xử lý và khi không được xử lý những cảm xúc đó sẽ không bao giờ biến mất. Khi đó chúng có thể ảnh hưởng đến:
– Sức khỏe thể chất của bạn
– Cách bạn nghĩ về bản thân mình
– Cách bạn phản ứng với căng thẳng
– Mối quan hệ của bạn với những người khác
Chỉ đơn giản là giải phóng những cảm xúc mắc kẹt bạn sẽ được thoát khỏi hàng tấn “hành lý” cảm xúc đang đè nặng lên tâm hồn mình
Cảm xúc bị mắc kẹt có nghĩa là gì?
Bạn đã bao giờ nghe nói đến những người đã bật khóc khi tập yoga, massage hoặc châm cứu chưa? Khi được kích hoạt vào một điểm ách tắc nào đó trên cơ thể cảm xúc sẽ được bật ra như một dòng chảy cùng với nước mắt. Rõ ràng là những tổn thương xảy đến với chúng ta không chỉ đơn giản là ký ức hay những cảm nhận vô hình mà còn in dấu lên thể chất chúng ta. Điều này có thể lý giải bởi việc khi có một trải nghiệm tiêu cực diễn ra cảm xúc sẽ ngay lập tức được tạo ra để đáp ứng. Lúc này não bộ sẽ liên kết một bộ phận cơ thể gắn với chính sự kiện đó, thường là ở cấp độ tiềm thức. Chính vì thế việc tác động vào vùng X trên cơ thể chỉ đơn giản là một kích thích để tái tạo lại mô hình liên quan đến ký ức đau buồn đó.
Ngoài ra một số người tin rằng tổn thương và những cảm xúc tiêu cực có thể trở thành những điểm tắc nghẽn theo nghĩa đen trên cơ thể. Mỗi cảm xúc mắc kẹt sẽ nằm ở một vị trí cụ thể trên cơ thể chúng ta và rung động ở tần số của riêng nó. Điều này khiến bạn thu hút nhiều hơn loại cảm xúc đó và vì thế tạo ra sự tích tụ.
Cảm xúc bị mắc kẹt như thế nào?
Theo những nghiên cứu từ năm 1992 đến nay các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể cũng như tác động của sức khỏe tinh thần và cảm xúc lên sức khỏe thể chất của một người. Một ví dụ kinh điển về điều này là sự sợ hãi. Nếu bạn đang ở trong một tình huống khiến bạn sợ hãi, cơ thể bạn sẽ tạo ra phản ứng vật lý đối với cảm xúc này bằng cách kích hoạt phản ứng chiến đấu-bỏ chạy-đóng băng.
Theo TS. Bradly Nelson, tác giả cuốn sách “Mật mã cảm xúc”, tiến trình trải nghiệm cảm xúc của một người sẽ diễn ra như sau:
- Nhận biết rung động của cảm xúc
- Cảm nhận được mối liên hệ giữa cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và cảm giác cơ thể liên quan. Đây cũng chính là lúc thể hiện rõ nhất sự liên kết giữa thân và tâm
- Giải phóng cảm xúc bằng cách chuyển hoá nó
Quá trình này diễn ra ở hệ viền trong não. Não bộ chúng ta liên tiếp ghi nhận thông tin, điều này tạo ra các phản ứng của hệ thống thần kinh tự trị ở phía trước của vỏ não đồng thời gửi tín hiệu đến cơ thể để kích hoạt cảm xúc tương ứng. Nói một cách khác thì cảm xúc của bạn là những gì hệ thống thần kinh đang “nói” với bạn. Khi bước thứ hai và thứ ba của tiến trình bị gián đoạn, năng lượng của cảm xúc sẽ bị mắc kẹt lại trong cơ thể. Kết quả là bạn bị căng cơ, đau ở một số vùng hoặc biểu hiện thành vấn đề bệnh lý. Cường độ cảm xúc càng cao thì càng dễ bị mắc kẹt.
TS.Mark Olson cho rằng cảm xúc bị mắc kẹt khi tiếng nói của tâm thức thuần khiết muốn bày tỏ nhưng lại bị lớp phòng vệ kìm hãm lại. Trong tâm lý học, tâm thức thuần khiết được lý giải đơn giản là những bản chất mà con người sinh ra vốn có sẵn như sự cởi mở, tò mò và tin tưởng một cách rất tự nhiên. Trong khi đó lớp phòng vệ hoặc con người mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài chính là tập hợp các chiến lược để đối phó với nỗi đau và sự mất mát.
Năng lượng cảm xúc tiêu cực bị kìm nén này có thể biểu hiện như sau:
- Phẫn nộ
- Ra quyết định kém
- Tự phá hoại
- Phản ứng thái quá
- Tăng căng thẳng và lo lắng
- Trầm cảm
- Mệt mỏi
Nhà trị liệu thân-tâm Kelly Vincent, PsyD, so sánh những cảm xúc bị mắc kẹt với việc mang theo một chiếc ba lô lớn. Nó đè nặng chúng ta, tác động đến tâm trạng và rút cạn năng lượng của chúng ta. Ngoài ra, cô ấy lưu ý rằng nó cũng có thể phá hủy các mô cơ thể và ngăn cản các chức năng bình thường của các cơ quan và tuyến. “Cảm xúc bị tắc nghẽn giống như một chướng ngại vật khổng lồ trên đường cao tốc,” Vincent nói. “Thật khó để năng lượng có thể tuôn chảy tự nhiên.”
Cảm xúc mắc kẹt và những tổn thương
Chúng ta không thể nói về những cảm xúc bị mắc kẹt mà không nhắc đến hay khám phá những tổn thương.
Gần như tất cả mọi người đều trải qua tổn thương vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Theo một cuộc khảo sát năm 2015 với gần 69.000 người trưởng thành trên khắp thế giới, hơn 70% số người được hỏi cho biết đã từng trải qua một sự kiện đau buồn, trong khi 30,5% đã từng trải qua bốn sự kiện trở lên.
Tổn thương có thể xảy ra thông qua các trải nghiệm cuộc sống như:
- Đổ vỡ trong một mối quan hệ
- Một sự thay đổi lớn trong cuộc đời
- Một căn bệnh nghiêm trọng
- Cái chết của một người thân yêu
- Ngoại tình trong một mối quan hệ
- Mất việc làm
- Trải nghiệm bạo lực, phân biệt đối xử hoặc phân biệt chủng tộc
Tổn thương có thể ảnh hưởng đến quá trình nhận thức, đặc biệt là quá trình xử lý bộ nhớ và khả năng nhớ lại thông tin thực tế. Kết quả là, ký ức hoặc trải nghiệm đau thương không được “ghi” đúng cách vào não bộ. Theo TS.Vincent: “Khi gặp phải một trải nghiệm cực kỳ choáng ngợp, chẳng hạn như chấn thương tâm lý, bộ não sẽ mã hóa những ký ức đau buồn đó thành hình ảnh hoặc cảm giác cơ thể. Và khi được kích hoạt, não có thể ngắt kết nối với thực tế hoặc phát lại sự kiện đau buồn dưới dạng hồi tưởng. Điều này được gọi là sự phân ly, hoặc mất kết nối tâm lý”
Những mảnh cảm giác này vẫn còn trong tâm trí và làm gián đoạn quá trình phục hồi tự nhiên của bộ não. TS. Vincent so sánh những ký ức đau buồn với một loại vi-rút trong hệ thống mã hóa của chúng ta, nơi các sự kiện chưa được xử lý có thể khiến các quá trình tinh thần và thể chất của chúng ta gặp trục trặc.
Khi tổn thương không được xử lý nó có thể kéo dài và khiến chúng ta trượt ra khỏi những sự kiện thực tế. Điều này thường thấy ở những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), một tình trạng phát triển sau khi một người trải qua những sự kiện đáng sợ hoặc đe dọa đến tính mạng. Nghiên cứu cho thấy những người mắc PTSD hiện tại có vùng hồi hải mã nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc khả năng ghi nhớ của họ cũng sụt giảm so với người bình thường. Nghiên cứu từ năm 2011 cho thấy rằng căng thẳng kéo dài sẽ làm hỏng vùng hải mã, có thể biểu hiện dưới dạng lưu lượng máu bất thường hoặc giảm kích thước. Kết quả là, cơ thể bạn có thể vẫn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ này ngay cả khi bạn không chủ ý nghĩ về sự kiện đau thương đó.
Cách giải phóng cảm xúc khỏi cơ thể
Bạn đã bao giờ cảm thấy cần phải khóc, la hét, cười, đấm vào gối hay nhảy múa chưa?
Chúng ta thường được dạy rằng hãy chôn vùi nỗi đau của mình và mạnh mẽ đứng lên để bước tiếp. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến những cảm xúc bị kìm nén, còn được gọi là sự né tránh vô thức.
Dưới đây là một số cách để giải phóng cảm xúc bị kìm nén:
- Thừa nhận cảm xúc của bạn
- Chữa lành những tổn thương
- Cố gắng làm việc với phần “bóng tối”
- Thực hiện chuyển động có chủ ý
- Thực hành tĩnh lặng
Bạn càng hiểu thế giới cảm xúc của mình, bạn càng có thể tiêu hóa cảm xúc của mình theo những cách lành mạnh.
Bước đầu tiên là kết nối và hiểu cảm xúc của bạn. Những người bị kìm nén cảm xúc có thể gặp khó khăn trong việc xác định cảm xúc của mình, đó là lý do tại sao việc nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể có giá trị. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy rằng việc gọi tên cảm xúc của bạn có thể làm giảm cường độ của chúng.
Chữa lành tổn thương trong quá khứ
Thông thường, có những thứ chúng ta mang theo trong nhiều năm bắt nguồn từ thời thơ ấu. Một số ví dụ về tổn thương trong quá khứ bao gồm:
- Lạm dụng, bao gồm cả tinh thần, tình cảm, thể chất, hoặc tình dục
- Bị chối bỏ
- Mất người thân
- Tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc
- Bắt nạt
- Rối loạn chức năng trong gia đình
Tổn thương thời thơ ấu chưa được giải quyết có thể xuất hiện theo nhiều cách, bao gồm:
- Tự phán xét
- Đổ lỗi cho người khác
- Cảm thấy áp lực
- Rút lui khỏi các hoạt động xã hội
Để vượt qua tổn thương, TS. Olson nói rằng điều quan trọng là phải chấp nhận cảm giác đau buồn về thực tế là bạn có thể sẽ không bao giờ lấy lại được những trải nghiệm mà bạn đã đánh mất. Khi cho phép bản thân đau buồn như vậy bạn có thể nhìn ra và thừa nhận những chiến lược phòng vệ mà bạn đã vô tình dựng lên và phát triển để che giấu những tổn thương của mình.
Ví dụ, khi có một tổn thương về việc bị chối bỏ thời thơ ấu, rất có thể bạn sẽ thiết lập một chiến lược để thích ứng với điều này là hạn chế các mối quan hệ xã hội hoặc thu mình lại, dần dần điều này sẽ khiến bạn có cảm giác bị cô lập. Nếu không thừa nhận và nhìn ra chiến lược mà bản thân đã xây dựng bạn có thể có một nhận thức sai lệch rằng mình đang bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Mặt khác, khi đã nhận diện được chiến lược thích ứng của mình, bạn có thể xác định gốc rễ của vấn đề và sửa đổi chiến lược phù hợp hơn với nhu cầu thật sự của mình.
Làm việc với phần “bóng tối” trong tâm hồn
Tương tự như khám phá chấn thương thời thơ ấu, “bóng tối” trong tâm hồn mang đến một lăng kính khác để khám phá những phần khác nhau trong con người chúng ta mà chúng ta giấu kín, thường là do xấu hổ hoặc kém cỏi.
Mọi người có xu hướng che giấu những phần của bản thân mà họ tin là không thể chấp nhận được.
Ví dụ, bạn có được yêu cầu “bình tĩnh lại” hoặc “đừng khóc” khi bạn buồn khi còn nhỏ không? Sự vô hiệu hóa cảm xúc này có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ về cảm xúc của mình hoặc coi thường chúng.
Làm việc với phần “bóng tối” có thể được thực hiện theo nhiều cách, mặc dù thông thường nên làm việc với các chuyên gia tâm lý.
Chuyển động có chủ ý
Trải nghiệm cơ thể (SE) là một cách để giải quyết mọi căng thẳng hoặc cảm xúc chưa được xử lý có thể tồn tại trong cơ thể bạn.
SE sử dụng phương pháp ưu tiên cơ thể để giải quyết các triệu chứng, với ý tưởng rằng việc giải phóng tổn thương chưa qua xử lý có thể thúc đẩy quá trình chữa lành cảm xúc.
Theo TS. Vincent, một cách để làm điều này là thông qua chuyển động có chủ ý. Ông cho rằng: “Khi chúng ta di chuyển có chủ ý, chúng ta có thể tạo ra cảm giác an toàn trong cơ thể mà chúng ta có thể chưa từng trải qua trước đây, đặc biệt là những người đã mang trong mình những tổn thương.
Ví dụ về chuyển động có chủ ý bao gồm các hoạt động như:
- Nhảy
- Giãn cơ
- Tập yoga
- Lắc lư
- Võ thuật
- Khí công
- Thiền hành
- Bài tập thở bằng bụng
TS. Vincent lưu ý rằng chuyển động có chủ ý sẽ giải phóng bất kỳ năng lượng dự trữ nào đồng thời giúp não nhận ra sự khác biệt giữa căng thẳng và thư giãn.
Thực hành tĩnh lặng
Đơn giản là ở lại với những suy nghĩ và cảm xúc ở hiện tại sẽ chạm vào chế độ mặc định của não bộ. Khi đó não của bạn sẽ chuyển sang trạng thái không hoạt động trong thời gian ngắn. Điều này kích hoạt cái mà các nhà khoa học gọi là “nhận thức tự tại”.
Bằng cách tạm thời thoát khỏi các kích thích bên ngoài, mỗi người có thể kết nối tốt hơn với những mong mong sâu thẳm bên trong.
TS. Vincent cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự tĩnh lặng không được thực hành đủ và đánh giá cao nhưng nó lại có thể nuôi dưỡng tâm trí và cơ thể chúng ta. Nó tạo ra không gian để cảm xúc đi vào ý thức.
Một số cách để thực hành sự tĩnh lặng là:
- Thiền
- Bài tập thở
- Ở cùng thiên nhiên
- Nghe nhạc êm dịu
- Lặp lại lời khẳng định
- Thư giãn cơ tăng tiến
Biên dịch: Ngọc Phạm
Nguồn: healthline.com